Vào lớp 1 là cột mốc đáng nhớ đối với mỗi đứa trẻ bởi từ chương trình học, môi trường và giờ giấc đều thay đổi. Thế nên, dù tới tháng 9 mới chính thức bước vào năm học nhưng không ít phụ huynh có con sinh năm 2015 đã sốt sắng cho đi học chữ trước từ đầu tháng 3.
Chị Nguyễn Mai Lan, nhân viên kinh doanh, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ lo lắng khi có con sắp vào lớp 1. Chị Lan cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, chị đã gọi điện để hỏi lịch và đăng ký suất học cho con gái Thùy Trang: “Dù cũng lo lắng về dịch Covid-19 nhưng tôi không thể không cho con đi học lớp tiền tiểu học”.
Được biết, hiện tại bé Thùy Trang đã học chữ và ghép vần đơn giản do các cô ở lớp mẫu giáo dạy nhưng chị Lan vẫn không yên tâm. Ngay từ đầu tháng 3, vợ chồng chị đã mất cả tối bàn bạc, lên lịch người ở nhà cơm nước trông con, người đưa bé Thùy Trang đi học. Lịch tại lớp học thêm là từ 19h45-21h15 các ngày thứ 2, 4, 6 nên khi đón con tan học ở trường, vợ chồng chị nhanh chóng cơm nước để đưa con đi cho kịp giờ. Khổ nỗi nhà có 3 con, con trai đầu học lớp 4 cũng đi học thêm tiếng Anh 2 buổi/tuần và bé út thì mới hơn 1 tuổi nên ngày nào anh chị cũng chóng mặt việc đưa đón và trông con.
Không mệt mỏi việc đưa đón con đi học nhưng với chị Hoàng Thu Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại đau đầu việc con trai không tập trung học bài. Chị Hằng đăng ký cho con học tại một trung tâm dạy tiền tiểu học nhưng bị cô giáo phản ánh tay con yếu, cầm bút không chắc nên về nhà cần rèn luyện thêm. Vậy là ngoài 3 buổi học thêm ở lớp, mỗi tối chị Hằng đều cùng con ngồi vào bàn học ít nhất 1 tiếng.
“Tôi hết nịnh nọt rồi quát mắng con mãi mới chịu ngồi vào bàn học mà cứ được vài phút là ngáo ngơ. Hết con mỏi tay, muốn đi vệ sinh lại khát nước… Mỗi ngày cô giao 1, 2 tờ phiếu bài tập mà mẹ con vật lộn cả tiếng chưa xong. Lúc đầu mẹ nhẹ nhàng, con vui vẻ. Lúc sau là mẹ quát, con khóc nhìn nhau “như kẻ thù”. Cả nhà ầm ĩ như đánh trận. Thương con lắm mà không còn cách nào khác. Thà vất vả lúc đầu còn hơn vào năm học nhiều kiến thức khác con không theo kịp”, chị Hằng than thở.
Phụ huynh lần đầu có con vào lớp 1 chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn quen biết để lo cho con. Thế nên “đến hẹn lại lên”, những ngày qua, tại các diễn đàn liên quan đến giáo dục, hội “dê vàng”, con vào lớp 1… tấp nập những câu hỏi liên quan đến cô giáo dạy chữ trước, trung tâm dạy tiền tiểu học.
Nắm bắt được nhu cầu của đông đảo phụ huynh, nhiều giáo viên và trung tâm dạy tiền tiểu học liên tục đăng thông tin tuyển sinh. Được biết, mỗi tuần các em sẽ học 2-3 buổi với mức phí dao động 80.000-100.000 đồng/buổi. Nếu phụ huynh đóng trọn gói cả khóa sẽ có mức phí khoảng 4 triệu đồng với thời gian học kéo dài 3-4 tháng.
Như vậy, để con được học chữ trước, cha mẹ bỏ ra số tiền mỗi tháng tương đương với 1 tháng con học tại các trường công lập. Dù “tiếc” tiền nhưng phụ huynh vẫn “cắn răng” cho con đi học chữ trước để không bị thiệt thòi so với các bạn.
Chia sẻ về “đề tài muôn thuở” có cần cho con học chữ trước hay không này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Thực tế, bên cạnh tâm lý thích khoe con (tâm lý sính bệnh thành tích), các bậc cha mẹ còn có tâm lý quá lo lắng. Cha mẹ sợ rằng con sẽ thua kém bạn bè, chán nản và thiếu tự tin. Vì thế, biết rõ ràng là nếu con có học trước thì vào con sẽ vẫn học lại từ đầu, họ vẫn đầu tư cho con đi học”.
Theo bà Hương, con trẻ có tận 5 năm để làm quen dần với việc học hành. 5 năm tiểu học đó, nếu đọc kỹ luật giáo dục, chúng ta sẽ thấy, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen. Việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách...
“Thật ra, bọn trẻ hoàn toàn không nhận thức được thế nào là điểm cao và điểm thấp, thế nào là giỏi và dốt vì lớp 1 các cháu mới bắt đầu học lớn hơn và nhỏ hơn. Vì thế, mọi việc tự ti hay tự tin là do cha mẹ cả.
Ví dụ: Một em bé mang điểm kém về đưa cho mẹ xem, người mẹ đó thấy vậy quát ầm lên hoặc đánh mắng. Khi đó em bé sẽ ngay lập tức nhận ra mình vừa bị điểm xấu và bé sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Nếu mẹ em bé lại bảo: Ừ không sao, mai cố gắng thì con sẽ giỏi hơn, thì em bé đó sẽ thấy bình thường và lại vui vẻ đến lớp vào ngày mai.
Như vậy, trẻ em tự tin hay tự ti đều do thái độ hành xử của cha mẹ chứ không phải là việc cháu được điểm mấy ở lớp. Các cháu mới bắt đầu đi học nên chưa hiểu được mấy, các cha mẹ rất cần biết điều này”, vị Tiến sĩ này bày tỏ.
Bà Hương cho rằng, điều con sẽ gặp phải là sự khó khăn khi đổi môi trường học tập, những khác biệt giữa tiểu học và mầm non. Cha mẹ cần cho con làm quen với việc này, cho con qua trường tiểu học, giới thiệu cho con mọi thứ, cùng con đi sắm đồ dùng học tập, trò chuyện cùng con về cấp tiểu học. Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần chuẩn bị trước kiến thức và tâm lý để chiến đấu cùng con cấp tiểu học. Trong đó, việc quan trọng nhất mà cha mẹ phải lo lắng dạy con suốt 5 năm học hành đầu đời là:
- Dạy con biết học là nhiệm vụ của mình.
- Dạy con biết học là quyền lợi to lớn của con.
- Dạy con học tập trung.
- Dạy con biết tự giác học bài.
- Dạy con biết tự chăm lo cho bản thân khi không có cha mẹ ở bên cạnh.
- Dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm...
Nhiệm vụ có rất nhiều nhưng nói chung, các cha mẹ phải tách bạch rõ ràng: Học là việc của con, và con đủ sức theo đuổi mọi việc. Đừng nghĩ con quá bé bỏng mà làm hộ con mọi việc, như vậy sẽ chỉ làm hại con mà thôi.