Dân Việt

Đổ xô đi lễ chùa trong mùa dịch: Chuyên gia chỉ dẫn cách tự bảo vệ mình và cộng đồng

Diệu Linh 16/03/2021 08:27 GMT+7
Đây là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) về tình trạng người dân chen chúc đi lễ chùa, không thực hiện đúng khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng tụ tập hàng nghìn, hàng vạn người đi lễ chùa trong vài ngày gần đây, mà điển hình là ở chùa Tam Chúc ngày 14/3, nhiều người không đeo khẩu trang?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trường hợp người dân đổ xô đi chùa, nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách rất nguy hiểm. Nếu đám đông có người mắc Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm sang người khác là rất lớn. Người từ tứ xứ đổ về nên khó truy vết nhanh, công tác phòng chống lây nhiễm là rất khó.

Ngoài ra, có người mắc Covid-19 mà không có triệu chứng, ẩn nấp trong cộng đồng, âm thầm lây nhiễm, ngành y tế không phát hiện sớm thì càng có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Đổ xô đi lễ chùa không đeo khẩu trang và giãn cách rất nguy hiểm - Ảnh 1.

PGS .TS Trần Đắc Phu

Vẫn biết đi lễ đầu năm cầu bình an, may mắn là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng mùa lễ hội năm nay không thể diễn biến như thường lệ mà phải áp dụng các biện pháp phòng dịch trong điều kiện bình thường mới.

Tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở nước ta đã được kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Hiện vẫn còn có thể có những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng mà chúng ta không biết được. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan khi tham gia các hoạt động tập trung đông người nhất là đi lễ hội, chùa chiền ở thời điểm này.

Hiện Việt Nam không cấm đi lễ chùa. Nhiều tỉnh cho phép mở cửa đi lễ chùa hoặc tổ chức lễ hội nhưng không làm khai mạc lễ hội và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định chống dịch của Bộ Y tế.

Hình như người Việt rất "hay quên", chỉ ít ngày hết dịch là đã cảm thấy "như chưa từng có Covid-19". Ông nhận định thế nào về nguy cơ bùng phát Covid-19 ở Việt Nam? Liệu chúng ta đã an tâm được chưa? 

- Khi thế giới vẫn còn dịch Covid-19 thì nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam là rất lớn. Như chúng ta biết đợt dịch vừa qua ở Hải Dương, Hà Nội hay TP HCM đều là những chủng virus mới. Đã là chủng mới thì chỉ có xuất phát từ các ca nhập cảnh.

Đổ xô đi lễ chùa không đeo khẩu trang và giãn cách rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Người dân chen chúc đi lễ tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) ngày 14/3, rất nhiều người không đeo khẩu trang

Hơn nữa, hiện nay chúng ta nới lỏng phòng chống dịch để làm ăn kinh tế thì càng có nguy cơ bùng phát dịch. Vấn đề làm sao là chúng ta phải có kiểm soát chặt để phát hiện nhanh các ca bệnh, kịp thời cách ly, phong tỏa, dập dịch ngay. Làm sao để đốm lửa nhỏ đừng bùng thành đám cháy lớn.

Người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan cần phải cảnh giác phòng tránh dịch, đảm bảo các biện pháp phòng dịch như Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành rất cụ thể đối với trường học, khu công nghiệp, cơ quan, khu chung cư, phương tiện công cộng...

Vậy làm thế nào để phòng dịch Covid-19 được nghiêm ngặt hơn? Người dân có nên đi chùa chiền, lễ hội vào thời điểm này?

- Khi đi lễ chùa trong tình hình dịch thì ý thức người dân phải được nâng cao, càng chỗ đông người càng phải bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người. Người dân cần đo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người, nhất là những nơi đông người lạ... Sau khi về, cần rửa tay xà phòng hoặc dung dịch cồn 70 độ, thay giặt quần áo.

Chính quyền Ban Quản lý các chùa chiền, khu di tích cần treo pano tuyên truyền phòng dịch, cử người phân luồng nhằm giãn mật độ du khách đến tham quan và theo sát, nhắc nhở để người dân tuân thủ quy định: khi đi lễ nơi đông người phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế...

Người dân nên đi bằng xe riêng, còn nếu đi bằng phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận tải hành khách như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn...

Xin cảm ơn ông!


Tiêm vắc xin Covid-19 vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch

"Hiện nay người dân bắt đầu được tiêm vắc xin Covid-19, đối tượng sẽ dần dần được mở rộng. Tuy nhiên, không vì được tiêm vắc xin mà chúng ta chủ quan.

Để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy, chúng ta phải có ít nhất 60- 70% dân số được tiêm vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vắc xin vừa được tiêm.

Vì vậy, trong thời điểm nguy cơ dịch trên thế giới vẫn còn lây lan và nguy cơ dịch trong nước vẫn còn cao nên cũng không vì có vaccine hoặc đã được tiêm vaccine mà chúng ta lơ là phòng bệnh.

Tôi khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng"

PGS.TS Trần Đắc Phu