Tại điểm c khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chở ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù) (điểm g khoản 1 Điều 6).
Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cụ thể như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Như vậy, trường hợp trên bị xử phạt như trên là hoàn toàn đúng theo quy định. Mức phạt được tính là trung bình của khung hình phạt khi vi phạm giao thông nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Đối với hành vi vi phạm giao thông của cá nhân thì mức phạt tiền tối đa mà cảnh sát giao thông được thu tại chỗ là 250.000 đồng trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ.