Hoàng Vũ
Thứ bảy, ngày 13/02/2021 20:04 PM (GMT+7)
Nhiều tài xế Việt thích trang trí, độ đèn xe, lắp biển số giả đẹp để trông "ngầu hơn" nhưng lại không muốn bỏ số tiền xứng đáng để mua phụ tùng, phụ kiện chính hãng.
Điều này phổ biến ở nước ta, khi đâu đâu cũng gặp cửa hàng thu mua lốp hỏng, lốp đã qua sử dụng hay bán những loại lốp giá rẻ. Nhiều tài xế Việt cũng ưa chuộng loại lốp này vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, đây là điều bạn không nên làm.
Khi mua lốp, hãy chọn mua những thương hiệu có tên tuổi - rõ ràng chúng an toàn và đáng tin cậy hơn. Đừng vì tiết kiệm tiền mà chấp nhận mua các loại lốp rẻ tiền hoặc đã qua sử dụng.
Bởi lốp là bộ phận duy nhất tiếp xúc với mặt đường, cả thân xe dồn trọng lượng lên nó. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu mua loại lốp rẻ tiền hoặc lốp đã qua sử dụng khi di chuyển ở tốc độ cao hay những ngày nắng nóng?
Theo kinh nghiệm chăm sóc bảo dưỡng xe hơi, khi mua lốp hãy chọn những thương hiệu có danh tiếng trên thị trường. Bạn không cần phải mua loại lốp đắt tiền của Michelin, Continental hoặc Pirelli nhưng ít nhất những thương hiệu có giá cả hợp lý và uy tín như Hankook, Falken, Dunlop, Maxxis, GT Radials...
Lốp đã qua sử dụng thường được quảng cáo là "còn mới 80%", "như mới"... Một số có uy tín, thường là lốp OEM. Mặc dù vậy, chúng ta không nên mua loại lốp này. Một khi lốp đã qua sử dụng hoặc đã qua chu kỳ sử dụng sẽ rất nhanh hỏng. Điều này cũng giống như các xe được tân trang lại, sau một thời gian dài sử dụng, các chất cao su trong xe sẽ cứng lại.
Cũng được xếp vào loại lốp cũ. Lốp lưu kho lâu năm tại các cửa hàng, sau một hoặc hai năm thì vẫn hoàn toàn sử dụng được. Vấn đề là nó đã trải qua chu kỳ nhiệt và thời gian nhất định, do vậy chúng có tuổi thọ ngắn hơn so với lốp mới sản xuất.
Độ đèn Xenon /LED
Rõ ràng là độ đèn Xenon/LED sẽ giúp cải thiện vùng sáng tốt hơn đèn Halogen. Độ đèn Xenon/LED là vi phạm pháp luật và sẽ bị từ chối đăng kiểm. Khi độ đèn sẽ phải can thiệp vào hệ thống điện, do vậy gây ra nguy cơ chập cháy.
Điều đáng lo ngại là những loại đèn này thường quá sáng nhưng loại được lắp ở trong bát phản xạ của đèn Halogen cũ, nó tạo ra những chùm sáng quá cao hoặc quá thấp, gây mất an toàn cho người đi đường hoặc chính bản thân của tài xế.
Theo tin tức pháp luật ô tô, tại Điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ôtô (bao gồm cả rơmoóc) lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; các thiết bị vi phạm sẽ bị CSGT tịch thu ngay lập tức.
Dán phim đèn hậu
Một kiểu chơi xe đang thịnh hành mà tài xế không nên làm theo là dán chóa đèn khói để chống chói cho xe, chủ yếu dán phim ở đèn hậu để giúp xe trông "ngầu" hơn. Màu khói nhạt thường được dùng để dán đèn trước, còn màu khói đậm bóng và khói đậm mờ để dán đèn hậu.
Ở một mức độ nào đó, việc làm này có thể chấp nhận được. Nhưng đừng làm quá đà, vì sẽ gây nguy cơ mất an toàn. Đèn hậu nếu không đủ sáng có thể khiến tài xế xe phía sau khó nhận biết xe bạn đang phanh hoặc xi nhan để tránh.
Trong khi đó, nhiều chủ xe còn thích độ dải đèn LED bar ở phía trước hoặc sau xe, nhất là các chủ xe bán tải. Độ hoặc lắp thêm đèn xe đều không được chấp nhận, không chỉ gây mất an toàn cho người khác mà còn tự gây nguy hiểm cho bản thân.
Sử dụng biển số giả số đẹp
Gần đây, xuất hiện tình trạng công khai buôn bán biển số giả. Theo đó, số biển số giả này được một số đối tượng sử dụng để lừa đảo, tống tiền, chở quá khổ quá tải. Một số người sử dụng biển giả số đẹp như tứ quý, ngũ quý chỉ đơn giản… để gắn vào xe của mình trông thật "đẳng cấp".
Còn một số người bị rơi, bị mất biển số, thay vì đến cơ quan chức năng khai báo và xin cấp lại thì lại tìm đến những điểm sản xuất biển giả để vừa đỡ mất công, lại có biển ngay với giá chỉ từ một vài trăm nghìn đồng.
Theo Nghị định 100, hành vi sử dụng biển số giả có chế tài xử phạt nặng. Cụ thể, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc) tham gia giao thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.