Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay 16/3 tiếp tục tăng thêm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với hôm qua, phổ biến từ 71.000 - 75.000 đồng/kg (đầu giá). Mặc dù giá tiêu tăng từng ngày, tuy nhiên phần lớn người trồng tiêu đang có tâm lý găm hàng lại chưa bán vội. Các thương lái cũng tỏa đi các tỉnh ôm hàng găm lại, chờ giá tăng thêm.
Bà con trồng tiêu cho biết, vụ tiêu năm nay nhiều vùng bị mất mùa nặng, dẫn tới giảm sản lượng. Việc nguồn cung sụt giảm so với năm ngoái đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao, khiến các công ty xuất khẩu như ''ngồi trên đống lửa'' vì đã đến hạn giao hàng nhưng chưa gom đủ số lượng.
Xung quanh vấn đề này, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh – "đại gia" xuất khẩu hồ tiêu số 1 Việt Nam và cũng là doanh nghiệp nằm trong top 10 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam.
Ông có thể lí giải vì sao giá tiêu trong nước lại có những bước tăng trưởng nhảy vọt, đúng vào mùa thu hoạch như hiện nay?
-Giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay, phần lớn là do hiện tượng đầu cơ của thương lái, đại lí. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải bán được thì mới mua hàng.
Trong vòng mấy tuần gần đây, giới đầu cơ gom hàng rồi đẩy giá lên, người mua không chịu được giá cao nên đầu cơ tiếp tục trữ lại hàng. Ví dụ anh có 10 tấn, người mua sẽ mua khoảng 5 tấn nhưng chỉ trả tiền và trữ hàng lại chứ không bán đi ngay, đợi giá cao lên mới bán.
Tình hình xuất khẩu thực tế từ đầu năm đến nay của Phúc Sinh có thuận lợi hay không, thưa ông?
-Chúng tôi xuất vẫn OK, đứng thứ 2 – 3 thị trường xuất khẩu hồ tiêu tại Việt Nam, tuỳ thời điểm. Tuy nhiên giá tiêu xuất khẩu hiện nay vẫn khá thấp. Phần lớn lượng hồ tiêu của chúng tôi đang bán là tiêu mua từ trước Tết Nguyên đán và trữ lại. Chúng tôi xuất hàng cho khách với giá kí tại thời điểm trước đó. Giá tiêu trên thị trường xuất khẩu hiện nay cũng đang tăng lên nhưng không theo kịp giá tiêu trong nước.
Tuy nhiên, một số khách hàng thấy giá tiêu hôm nay tại Việt Nam tăng cao, đã ngừng giao dịch.
Giá tiêu hiện nay tôi có cảm giác tăng bất thường, như cổ phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu còn có biên độ 5-10%, nhưng giá tiêu thì tăng nhanh khó dự đoán.
Hiện nhiều doanh nghiệp gần như "đóng băng", không giao dịch. Chẳng khách hàng nào mua với giá tiêu "điên cuồng" như vậy. Bản thân Phúc Sinh hiện nay cũng chủ yếu xuất cà phê. Bởi nếu bây giờ giao dịch, ôm hàng vào, thì rủi ro cũng như đánh bạc vậy.
Tuy nhiên, nông dân trồng tiêu thì vẫn có tâm lý muốn trữ hàng lại, chờ giá lên cao nữa. Một số khách hàng nước ngoài hỏi tôi, tại sao giá tiêu tăng cao như vậy rồi mà nông dân, đại lý vẫn chưa muốn bán?
Tôi còn nhớ, thời điểm thị trường hạt tiêu còn thịnh vượng, chúng tôi mua tiêu vào với giá 150.000 đồng/kg mà người ta vẫn kêu thấp. Điều đó lý giải vì sao đến bây giờ, vẫn có người đang trữ hàng chục tấn tiêu từ thời giá cao, 120.000 – 150.000 đồng/kg.
Bây giờ người dân mới bắt đầu thu hoạch rộ, mùa tiêu dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc. Lúc đó sản lượng tăng lên, cộng thêm hồ tiêu Campuchia, Indonesia tràn vào, giá tiêu có thể sẽ không còn được như bây giờ nữa.
Do đó tôi cho rằng, bà con nông dân nên cân nhắc thời điểm bán ra để đảm bảo lợi nhuận. Cái gì cũng vậy, "tham quá sẽ thành thâm", mà thị trường thì luôn cạnh tranh, luôn có những yếu tố bất ngờ.
Trong bối cảnh thị trường hồ tiêu tăng giá đột biến như hiện nay, theo ông, ai là người được lợi nhất?
-Tôi cho rằng ai cũng được lợi, nhất là nông dân đã có lãi. Giá tiêu tăng cao thì nông dân là người được hưởng lợi đầu tiên. Nhưng giới đầu cơ thì chưa chắc!
Vậy theo quan điểm của ông, giá tiêu ở mức nào là hợp lý, bền vững nhất?
-Rất khó trả lời chính xác câu hỏi này. Tôi là doanh nghiệp, tôi luôn muốn giá thị trường biến động. Khi thị trường có biến động, ai nhạy bén, ai biết chớp thời cơ thì sẽ giành phần thắng, kiếm được tiền.
Cuối tuần qua Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã họp và tôi cho rằng quan điểm của Hiệp hội là hoàn toàn đúng. Bởi thực tế hiện nay, sản lượng hồ tiêu Việt Nam có giảm, nhưng chỉ khoảng 25-30%, tức đạt khoảng 170.000 - 180.000 tấn. Cộng thêm tiêu của các nước cũng đang thu hoạch, chưa kể lượng tiêu tồn kho từ các năm trước cộng lại thì mặt hàng này không hề thiếu so với nhu cầu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với tháng 1/2021, so với tháng 2/2020 giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 32 nghìn tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 2/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 01/2021 và tăng 31,4% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.