Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh Hồ Chí Minh, cho rằng, tình trạng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nghẽn lệnh không phải là mới, nên những "thuyết âm mưu" rằng có sự tác động của bàn tay vô hình nào đó, đến tình trạng nghẽn lệnh của HoSE là không có cơ sở.
-Hiện tại, không chỉ phiên giao dịch buổi chiều mới xảy ra nghẽn lệnh mà cả phiên sáng cũng bắt đầu quá tải. Có ý kiến cho rằng nên cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông có ý kiến gì về việc này?
Tôi nghĩ vấn đề này nên tách ra 2 ý. Ý thứ nhất là nghẽn lệnh, việc này không mới, vấn đề bây giờ có thể HoSE đang tìm mọi cách khắc phục và chúng ta đã biết FPT đã vào cuộc rồi. Thực ra, không phải vấn đề xảy ra nghẽn lệnh từ phiên sáng (mở phiên) mà là do việc trả thông tin về bị chậm, có những lệnh đưa vào vẫn được nhưng thông tin thể hiện trên bảng điện tử lại không chính xác, dư mua dư bán không chính xác. Đây là hiện tượng của việc trả kết quả về bị chậm.
Theo tôi, đây không phải là vấn đề quá mới mà chỉ là "di chứng", là hậu quả của quá trình vừa qua mà thôi. Thực ra hiện nay Chính phủ cũng vào cuộc luôn rồi, nên tôi nghĩ vấn đề này không phải là quá lớn để tạo thành một lý do nào đó để phải cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Phải biết rằng, HoSE trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), và UBCKNN lại trực thuộc Bộ Tài chính và Bộ Tài chính lại do Chính phủ điều hành. Cho nên, làm sao có thể cổ phần hóa một cơ quan quản lý được.
HoSE không đơn thuần là một nơi tạo ra kinh doanh, tạo ra kinh tế mà là một cơ quan quản lý, và nó sẽ còn liên quan đến an ninh mạng, an ninh giao dịch, thậm chí là an ninh thông tin của các doanh nghiệp, cho nên khi cổ phần hóa và bán ra cổ phần thì sẽ có nhà đầu tư đại trà, nhà đầu tư nước ngoài, các cổ đông chiến lược… có quyền mua vô, và ai sẽ là người kiểm soát tính bảo mật cho hệ thống thông tin này và đảm bảo tính an toàn theo phương thức của cơ quan quản lý? Điều này sẽ tạo ra nhiều vấn đề nguy hiểm hơn.
Ở vai trò cá nhân, tôi không đồng tình với quan điểm này, và tôi cũng không nghĩ cơ quan quản lý sẽ chấp nhận phương án hay ý tưởng này.
-Nhiều mã chứng khoán đang dự kiến chuyển từ HoSE sang HNX để chống "nghẽn lệnh", nhưng để chuyển sàn, doanh nghiệp phải xin ý kiến của cổ đông. Theo ông, có nên bỏ khâu này để tiết kiệm thời gian chuyển sàn?
Theo tôi, việc chuyển sàn từ HoSE sang HNX cũng chỉ là việc chẳng đặng đừng, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay, theo thông tin tôi có được thì FPT có làm thì cũng phải mất thời gian khá dài, ít nhất là 1-2 tháng. Cho nên việc bây giờ là tạm thời chuyển sàn được "ông" nào hay "ông" đó, dù không giải quyết triệt để vấn đề nhưng cũng giúp tăng dần số lượng lệnh nhập vào hệ thống.
Tôi ví dụ như khoảng 13.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu nghẽn lệnh, thì khi vận động được "ông" nào lớn lớn chuyển đi thì có thể nâng lên 15.000, hoặc 17.000 tỷ đồng. Song song đó, chờ FPT phối hợp nữa thì sàn HoSE chắc chẵn sẽ đỡ hơn chứ không như bây giờ. Chứ tôi cũng không đánh giá đây là giải pháp tối ưu tuyệt đối.
-VN-Index chính thức vượt 1.200 điểm, nhưng xảy ra tình trạng mở GAP (khoảng trống giá) trong trạng thái HoSE kẹt lệnh. Chỉ số không phản ánh đúng cung cầu và dẫn đến 1 loạt "thuyết âm mưu", những câu hỏi không thể trả lời của nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trên các diễn đàn, tôi nói thật "anh hùng bàn phím" quá nhiều, có những người sẽ nói theo một mục đích riêng của họ, muốn gì thì chúng ta không biết, kể cả có những người có ý đồ hơi có tính phá hoại… Rồi cả những người lợi dụng việc này để rồi diễn giải, biến tấu,… Cũng có những người họ vô tâm, nhưng nói theo kiểu sướng cái miệng, không suy nghĩ.
Cho nên, tôi nghĩ phải xác định lại, vấn đề nghẽn lệnh này đã xảy ra từ trước tế rồi, đã xảy ra mấy tháng nay rồi, cho nên bây giờ khi VN-Index tăng lên 1.200 điểm mà tiếp tục nghẽn thì không phải là lý do mà Vn-Index tăng lên 1.200 điểm rồi có người kiếm chuyện này nọ đâu.
Ngoài ra, nói gì thì nói thì HoSE cũng là Sở Giao dịch chứng khoán của cả nước chứ không phải của cá nhân, đơn vị nào; và toàn bộ thế giới họ đều nhìn vào thị trường chứng khoán của bất cứ quốc gia nào như một phong vũ biểu của nền kinh tế. Chưa kể, đây là một cơ quan trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính của một quốc gia không phải là chuyện đùa, vì thế mà vô tình ai có ý định tác động hay gì gì đó thì làm sao yên với nước ngoài. Khi đó những người đang vận hành thị trường chứng khoán sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Vì thế, theo tôi thì đây là những "thuyết âm mưu" mà những thuyết này thì "quá bèo"…
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
HoSE cũng "thất thu" vì nghẽn lệnh?
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, nếu không bị nghẽn lệnh, thanh khoản khớp lệnh của thị trường có thể đạt trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn mức bình quân 14.000 tỷ đồng/phiên hiện nay.
Với mức phí HoSE thu 0,027% giá trị giao dịch từ 2 phía mua và bán, thì mỗi ngày HoSE sẽ thất thu 2,84 tỷ đồng phí, với giả định giao dịch trung bình 20.000 tỷ đồng/ngày.