Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) của Chủ tịch Trần Anh Tuấn.
Báo cáo đề cập, MSB và công ty bảo hiểm Prudential đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong vòng 15 năm.
Theo ước tính của các nhà phân tích tại công ty chứng khoán này, mức phí "lót tay" (Upfront fee) có thể lên đến 3.500 tỷ đồng.
3 lý do cho thấy, thương vụ hợp tác bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - PV) này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho MSB của Chủ tịch Trần Anh Tuấn.
Thứ nhất, VCBS đánh giá MSB là nhà băng có kinh nghiệm và năng lực trong hoạt động bancassurance. Tính cuối năm 2020, doanh số bán bảo hiểm của MSB đang nằm trong top 10 của thị trường bancasurance.
Cụ thể, thu thuần từ bảo hiểm nhân thọ 11 tháng năm 2020 tăng gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân 50 tỷ đồng/tháng trong nửa cuối năm và hiện tại chiếm khoảng 29% doanh thu từ phí của khách hàng cá nhân.
Nhờ tập khách hàng có chọn lọc và có thu nhập cao, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm 2 tại MSB luôn nằm trong nhóm cao nhất trên thị trường đạt trên 80%. Trong khi nhiều ngân hàng khác giữ ở mức 50-70%. Doanh thu từ phí bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 30 – 40% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, chưa tính đến mức phí Upfront sẽ nhận được.
Thứ hai, Prudential đã xây dựng mối quan hệ đối tác bancassurance hiệu quả với MSB từ năm 2013. Việc hợp tác lần này có thể đưa mối quan hệ đối tác giữa 2 bên lên một tầm cao mới dưới hình thức phân phối độc quyền, đồng thời chủ động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tối ưu của Prudential cho khách hàng của thông qua các kênh hiện hữu cũng như kênh mới, đặc biệt là trên nền tảng số.
Ba là, số lượng ngân hàng có năng lực và nhiều tiềm năng phát triển bancassurance còn lại tại thị trường Việt Nam để ký hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm còn rất ít cũng là lợi thế của MSB khi đàm phán hợp đồng.
Về hạch toán lợi nhuận từ phí trả trước, MSB của Chủ tịch Trần Anh Tuấn khả năng cao sẽ lựa chọn cách thức hạch toán dần trong 3 - 5 năm để tránh ảnh hưởng lớn tới vốn chủ sở hữu của ngân hàng và kế hoạch kinh doanh các năm sau đó.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, theo tại tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, MSB của Chủ tịch Trần Anh Tuấn đặt mục tiêu tăng 8% tổng tài sản lên 190 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên hơn 106 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Đáng chú ý, ngân hàng có kế hoạch tăng lợi nhuận thêm 30% lên 3.280 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.
Tuy nhiên, theo ước tính của VCBS, MSB có thể sẽ đạt tới 3.971 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2021 (tăng 57% so với cùng kỳ), tương đương EPS đạt 2.704 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 18.530 đồng/cổ phiếu.
Ngoài nguồn thu bancassurance, lợi nhuận của MSB năm 2021 được kỳ vọng đến từ việc thoái vốn của các công ty con. Theo đó, MSB đã ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp tại Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản MSB AMC.
Trong năm 2021, ngân hàng cũng có kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính (FCCOM) dựa trên 2 phương án là bán toàn bộ vốn hoặc bán 50% vốn cho đối tác chiến lược. Trong đó ngân hàng sẽ cung cấp đảm bảo về thanh khoản, hệ thống IT, hệ thống khách hàng hiện có để vận hành.
Theo đó, trong năm 2021 MSB có thể ghi nhận khoản lợi nhuận khoảng 1.400 tỷ đồng từ việc bán MSB AMC và ghi nhận khoản phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền.
Lộ trình tăng vốn rõ ràng sẽ hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ổn định với tốc độ cao hơn trung bình ngành cũng một trong những động lực cho bức tranh lợi nhuận của nhà băng này.
Được biết, trong quý I/2021, MSB chào bán thành công 82,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá 11.500-12.000 đồng/cổ phần. Đồng thời, ngân hàng sẽ phát hành 18 triệu cổ phiếu quỹ còn lại để bán/thưởng cho cán bộ công nhân viên.
"Chúng tôi kỳ vọng nguồn tiền thu về sẽ giúp ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, giúp MSB được xét duyệt cấp hạn mức "room" tín dụng cao hơn trung bình ngành và tăng trưởng nhanh về tài sản", báo cáo đánh giá.
Tại ĐHCĐ năm 2021 sắp tới, MSB sẽ trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu.
Trong kế hoạch 5 năm, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vốn điều lệ bình quân 8%/năm và sẽ đạt hơn 17.300 tỷ đồng vào năm 2024 từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại mỗi năm.