Cánh cửa phía sau nhà bà Lê Thị Cậy (65 tuổi, thôn Nho Lâm) nhiều năm nay luôn trong tình trạng cài kín, bởi ngay sau nhà bà là dòng sông Bắc Hưng Hải ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
20h00 tối, bà Cậy lên giường ngủ với hai lớp khẩu trang kín mặt nhưng vẫn không ngăn nổi mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi.
Bà Cậy bảo, mấy năm gần đây dòng sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm nặng, nước đen quánh.
"Từ thời điểm có nhiều công ty, nhà máy, doanh nghiệp hai bên dòng sông, người dân chúng tôi lâm cảnh khốn cùng. Trước đó, cứ 10 - 15 ngày nước sông lại đổi màu đen, ít hôm lại loãng ra, nhưng hơn 1 tháng trở lại đây nước sông luôn trong tình trạng đặc quánh, bốc mùi xú uế.
Thời điểm năm 2006, bà Cậy vẫn ra dòng sông ngay sau nhà để bắt trai, bắt hến. Những trưa hè, người dân thôn Nho Lâm thường ra ven sông tránh nắng. Nhưng giờ đây dòng sông này là nỗi ám ảnh với người dân trong làng.
Bên này bờ sông Bắc Hưng Hải là Hưng Yên, bên kia là Hải Dương. Người dân thôn Nho Lâm thường đi đò sang Hải Dương đi chợ, tuy nhiên mấy năm gần đây số người đi ít dần.
"Chú nhìn xem nước thế này ai mà đi cho nổi, chỉ cần lên đò là buồn nôn lắm rồi. Vì nhiệm vụ mà hằng ngày tôi vẫn có mặt ở đây, xem ai có nhu cầu qua sông thì tôi chở", ông Nguyễn Văn Động (người chèo đò) nói với phóng viên.
Mỗi chuyến có giá 2000 đồng, nhưng hầu như chẳng bao giờ ông Động lấy tiền ai.
"Ngày xưa người làng tự hào về dòng sông này bao nhiêu, thì bây giờ chúng tôi sợ nó bấy nhiêu. Tôi là người ở đây, từ bé đã gắn bó với dòng sông, giờ tôi chỉ mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc để làm giảm tình trạng ô nhiềm tại đây giúp người dân chúng tôi ổn định cuộc sống", ông Động nói.
Vừa ngoài ruộng về, thấy phóng viên, bà Lê Thị Hoa (56 tuổi, Nho Lâm) than thở: "Cứ như này khéo người chết mà lúa cũng chết chú ơi. Người thì không thở được, lúa thì không có nước. Không bơm nước thì lúa chết, mà bơm nước thì chất lượng thấp, độc hại, ai dám ăn".
Nông nghiệp làng Nho Lâm dựa vào nguồn nước từ sông Bắc Hưng Hải. Người dân vẫn bơm nước từ đây vào ruộng để cấy lúa, nhưng năm nay nước đen, bốc mùi, trạm bơm chỉ bơm được 1 - 2 hôm thấy bọt trắng xóa lại thôi.
"Sợ quá chú ạ, vừa bơm nước mà thấy bọt cao gần mét ai mà dám, nhưng không bơm thì lúa không có nước. Ruộng nhà tôi ở phía trên cao, hơi xa so với trạm, nếu tình trạng này kéo dài, ít nữa nắng là lúa chết hết", bà Hoa nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích lúa phía xa trạm bơm trong tình trạng khô, người dân không có nước để cấy lúa.
Ông Nguyễn Quang Tuyến (65 tuổi, Trưởng thôn Nho Lâm) nói: "Tôi vừa bơm nước lên phải tắt máy ngay vì không thể dùng được. Đưa thứ nước này vào rồi lại bệnh, người dân khốn khổ hết mức.
Nhiều lần chúng tôi có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng dòng sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng", ông Tuyến nói.
Theo thông tin từ Trạm y tế xã Ngọc Lâm, người dân trên địa bàn xã thường xuyên mắc những loại bệnh về phổi, da liễu, dạ dày và vòm họng.