Tôi nhớ đến quãng thời gian mà tên của 2 người được nhắc đến rất nhiều ở các trường phổ thông, đại học, ở những quán nước vỉa hè và trong những phòng khách tiện nghi. Tôi nhớ những cuốn sổ tay tôi đã chép những bài thơ của họ và những đêm đi xem kịch của Lưu Quang Vũ ở các rạp hát, khóc rưng rức một mình.
Không chỉ chép mà còn thuộc, không chỉ thuộc thơ của cả hai người họ mà những lời thoại trong kịch của Lưu Quang Vũ tôi cũng thuộc làu làu. Tôi thường kể lại cho anh em trong nhà, cho đồng nghiệp những người chưa kịp xem và họ đã nghe một cách thích thú.
Tôi nhớ những vở kịch của Lưu Quang Vũ lôi cuốn tôi và nhiều người, nói gọn ngắn thì bởi nó hay, nói rộng ra thì bởi kịch của anh đã "đánh" trúng điều người xem ao ước, mong muốn. Thông qua những vấn đề cuộc sống được phản ánh anh đã rốt ráo đặt ra những câu hỏi và trách nhiệm cho khán giả, cho cộng đồng và cho cả những cá nhân, những tổ chức tạo nên cuộc sống đó.
Dường như trên 50 vở kịch nào của Lưu Quang Vũ cũng ấm nóng tính thế sự, cũng biểu đạt dễ hiểu nhất về triết học nhân sinh, mô tả sinh động nhất về mâu thuẫn thiện ác, về thói háo danh hay về sự giằng xé nội tâm của mỗi người trong thời thế… vở nào cũng đánh động sâu sắc cảm xúc và suy tư của tôi, của nhiều người. Những câu thoại, không nguôi ám ảnh người xem cho đến tận bây giờ…
Tôi nhớ rằng, khi tôi còn còn ngơ ngác, còn bẽn lẽn, còn chưa biết nhiều đến sức mạnh của ngôn từ thì tên tuổi của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã lừng lẫy. Lừng lẫy bởi các tác phẩm của họ không chỉ hay mà còn được sáng tạo trong khoảng thời gian không dài, chứng tỏ sự tài hoa, dồi dào năng lực và khả năng vượt lên trên thực tại bộn bề khó nhọc của họ.
Tôi nhớ rất nhiều trong các cuộc trò chuyện của những văn nghệ sĩ tên tuổi như: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc… ở nhà Nghiêm Bá Hồng - Đào Mỹ Dung (nơi tôi thường lui tới, trước khi đi Bulgaria) thơ của hai người được đọc lên, cuộc sống của họ với những ngày lang thang túng quẫn vì mất việc làm, vì thơ không được đăng… của Lưu Quang Vũ, về sự tần tảo hy sinh và về nhan sắc của Xuân Quỳnh. Nhắc đến như một nể trọng về sự dũng cảm, cách dấn thân nghệ thuật và về cả cuộc tình của hai người đẹp như những trang tiểu thuyết.
Tôi nhớ hầu hết những bài thơ của họ. Khó có thể kể hết ra đây vì rất nhiều. Bài nào cũng rất hay! Với Xuân Quỳnh, tôi mê thơ chị đến mức, khi thân với ca sĩ Ngọc Tân, cùng bỏ vốn làm chương trình (CT) âm nhạc đầu tiên, tôi đã đề nghị đưa bài "Thuyền và biển" (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu) và Ngọc Tân hát. Bài thơ không chỉ là nguồn cảm hứng cho Phan Huỳnh Điểu mà còn cho cả Hữu Xuân và thế là 2 tác phẩm âm nhạc có giá trị đã ra đời từ bài thơ đó của 2 nhạc sĩ tên tuổi.
Với Lưu Quang Vũ, Trần Tiến có bài "Con chim sẻ tóc xù", cảm hứng từ bài "Phố ta" của anh: "Phố của ta/ Phố nghèo của ta/ Những giọt nước sa/ Trên cành thánh thót/ Lũ trẻ trên gác thượng/ Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng/ Em chờ anh trước cổng/ Con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù... Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế...".
Nhớ đến đây, tôi có chút oán hận với những người không hiểu Lưu Quang Vũ. Những vở kịch sôi động các Nhà hát, nức lòng khán giả, đem đến cho họ cả tiếng cười sảng khoái lẫn suy tư, đau đớn vật vã tâm can bởi nó phản ảnh sự thật trần trụi không che đậy. Nó được tạo ra bởi tài năng và sự thôi thúc đạo đức nghệ sĩ, trách nhiệm công dân, mô tả, nói về, diễn đạt về cái xấu nhưng trên hết và sau cùng anh vẫn là người yêu cuộc sống, yêu con người và cảm thông tất thảy: "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế". Anh chỉ muốn, đừng "sĩ", đừng hão, đừng giả vờ, đừng làm ngơ với những cái có thật, đang thật, hãy nhận ra và bản lĩnh mà đổi thay...
Như đã nói, tôi thích hết tất cả thơ của anh. Những ngày sống xa Tổ quốc, sống với đầy đủ tiện nghi nhưng tôi vẫn dõi theo cuộc sống ở quê nhà, mỗi lần về phép là một lần chép thơ anh mang theo. Nay còn xúc động:
"Hoa tầm xuân
Con đường này xưa có tầm xuân nở
Dòng sông cũ cánh buồm giăng trắng xoá
Nay cạn khô trong cỏ dại u buồn
Những đền đài thuở trước đã tan hoang
Những chùa cổ chiều mưa rêu ướt lạnh
Chìm trong đất những chùm hương dĩ vãng
Tầm xuân ơi hoa chết đã lâu rồi
Nay ta về lặng lẽ tháng giêng hai
Em nhắc chuyện những bông tầm xuân cũ
Giọng em sáng như một chùm nắng nhỏ
Ấm chiều sương run lạnh của chùa hoang
Tro phủ lòng anh những trìu mến đã tàn
Em chẳng biết em vô tư khêu dậy
Và gió thổi quanh em, tóc rối.
Những bông hoa đã mất vụt bay về
Như giọt sương run rẩy cạnh đường đi
Như hoa vẫn còn hồng trên mặt đất
Hoa tìm mùa xuân suốt đời chẳng gặp
Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân
Em hồn nhiên em chẳng biết anh buồn
Em cứ kể về loài hoa bé nhỏ
Những chùm hoa nở bừng trong gió
Những chùm hoa ngày cũ chết lâu rồi".
Bây giờ đang là tháng hai. Tháng mà bài thơ đang nhắc đến. Tôi nhớ hình ảnh người thơ ấy, người chỉ hơn tôi 2 tuổi đời nhưng cứ như thể anh đã sinh ra từ nhiều năm trước đó bởi sự cao lớn sừng sững của các giá trị mà tên tuổi anh xác lập trong thời gian.
Đang chìm trong cơn mê thi ca và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, với sự nung nấu tái hiện chân dung của họ bằng ngôn ngữ và bằng hội họa thì Nguyễn Hoàng Điệp vận hành mùa 4 "Se sẽ chứ", nên tôi mời em đến thăm Phố Hoài Studio để hy vọng được "Se sẽ chứ" trong không gian nghệ thuật của tôi trong tháng tư này.