Đam mê lịch sử Việt và khát vọng phục dựng cổ phục của những người trẻ đầy nhiệt huyết
Nếu đã từng xem qua những mẫu cổ phục trên, ít ai ngờ rằng, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Lộc từng học Cao đẳng Truyền hình, được đào tạo Chuyên ngành về quay phim và cũng làm nghề nhiều năm, chứ không phải là từ một trường nghệ thuật thiết kế thời trang. Đột ngột rẽ lối sang lĩnh vực cổ phục là điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ bản thân Lộc mới hiểu chính bản thân mình mong muốn điều gì, quyết định này không hề bồng bột mà là thành quả của cả quá trình tích lũy trước đó: "Mình vừa đam mê lịch sử lại vừa yêu thích thời trang thì cớ gì mình không kết hợp hai yếu tố này lại", Lộc chia sẻ.
Nghỉ công việc cũ, dấn thân vào một lĩnh vực mới lạ và đầy thử thách, Nguyễn Đức Lộc tập hợp những bạn trẻ 9X tài năng có chung tình yêu với giá trị văn hóa cổ và thành lập nên Ỷ Vân Hiên. Không chỉ quy tụ được nhiều người trẻ với ước mơ phục dựng cổ phục, Ỷ Vân Hiên còn được tiếp sức bởi các cố vấn như: Công Tôn Nữ Trí Huệ (chắt nội vua Minh Mạng); nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc,...
Mong muốn trang phục truyền thống và văn hóa Việt Nam sẽ được tựa mây bay đi xa, lan tỏa tới nhiều miền đất mới chính là ý nghĩa của tên gọi "Ỷ Vân Hiên" và cũng là hoài bão của "cha đẻ" Nguyễn Đức Lộc.
Để làm ra một bộ cổ phục hoàn chỉnh tốn rất nhiều thời gian, nhiều bước khác nhau. Một trong số đó có khâu nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng và cần hàm lượng chất xám không nhỏ. Vì vậy, đội ngũ Ỷ Vân Hiên luôn trong tình trạng "cày cả ngày lẫn đêm". Đối với trang phục cung đình, các tư liệu thành văn, bất thành văn, hiện vật còn sót lại rất hiếm. Việc tập hợp tư liệu và nghiên cứu có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Nghiên cứu hoàn chỉnh tạo cơ sở triển khai các bản phác thảo thử nghiệm. "Làm đi làm lại, sai rồi lại sửa. Phải làm đến bao giờ cảm thấy ưng ý nhất thì thôi".
Một trong những nét độc đáo, hấp dẫn ở cổ phục là thể hiện được sự phân chia giai cấp trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Giữa rất nhiều sắc vàng với độ đậm nhạt khác nhau, chỉ có màu vàng hoàng thổ đại diện cho Hoàng đế. Các sắc vàng khác như vàng nghệ, vàng chanh,... vẫn được cho phép để may mặc. Trang phục, vật phẩm của quan văn thì sử dụng hình ảnh các loài chim như tiên hạc. Các loài thú bốn chân như lân, voi, hổ,... tượng trưng cho quan võ.
Đưa ứng dụng chất liệu và công nghệ hiện đại vào cổ phục là xu hướng tất yếu, đã được các quốc gia như Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc thực hiện rất thành công. Các nguyên liệu cổ, công cụ, kĩ thuật dùng để tái hiện văn vật hiện đã mất mát, thất truyền nhiều, giá thành để tái tạo và sản xuất chúng lại tương đối cao. Vì vậy, bắt buộc phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc tái tạo văn vật cổ.
Trang phục không chỉ đơn giản là vật khoác ngoài, là thứ để giữ ấm cơ thể. Y quan, văn vật phản ánh tư duy, thẩm mỹ, thậm chí là nền văn minh của cả một triều đại, dân tộc. Nhiều ý kiến cho rằng trang phục cổ không còn phù hợp với thời đại ngày nay. "Mặc ở đâu, mặc lúc nào, mặc làm gì?" khiến nhiều người e ngại và dần quên lãng cổ phục Việt.