Câu chuyện hậu quả nợ nần phá sản của BISUCO kéo dài ròng rã trong nhiều năm trời, khiến nhà chức trách tại tỉnh Bình Định tìm mọi cách để gỡ vướng mắt nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Sau nhiều lần mời gọi, triệu hồi ông Arunachalam Nandaa Kumar (người Ấn Độ, đứng tên đại diện pháp luật BISUCO) không được, ngành chức năng Bình Định buộc phải xử lý khối tài sản hiện có để giải quyết nợ nần của công ty và quyền lợi cho người lao động.
Đến nay, vụ việc đang được TAND tỉnh Bình Định thụ lý, Sở Công thương được giao nhiệm vụ được giao chủ trì giải quyết vụ việc ở phạm vi của chính quyền.
Tháng 9/2019, ngành chức năng Bình Định tuyên bố BISUCO chính thức phá sản và đến cuối tháng 6/2020, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (viết tắt là SCB Việt Nam) có văn bản yêu cầu bán đấu giá tài sản toàn bộ nhà máy của BISUCO.
Hơn 1 tháng sau, TAND tỉnh Bình Định quyết định về việc bán đấu giá khối tài sản này để đảm bảo chi phí phá sản của BISUCO. Đến tháng 8/2020, Công ty Hợp danh quản lý Thanh lý tài sản Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đối với công ty đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group (Toàn cầu Group). Tại phiên đấu giá ngày 10/12/2020 do Toàn Cầu Group tổ chức ở TP.Quy NHơn, Công ty TNHH Phương Tùng Bách (Bắc Ninh) trúng đấu giá với số tiền trên 62,4 tỷ đồng và sau đó doanh nghiệp này đã chuyển tiền vào tài khoản TAND tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, sau khi tuyên bố phá sản, đến tháng 12/2019, BISUCO còn nợ đến 23 đơn vị với tổng tiền lên trên 1.000 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).
Khu nhà máy BISUCO, dây chuyền sản xuất mía đường từng là "cú đấm thép" của ngành mía đường của Bình Định và cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhưng bây giờ đã bị giải thể trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cũng thừa nhận, sự sụp đổ của Công ty BISUCO để lại rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến nền kinh tế của địa phương, khi ngành mía đường tan theo mây khói. Hiện, trên 40ha đất được UBND tỉnh Bình Định giao cho BISUCO làm khu sản xuất nguyên liệu mía từ năm 2014 tại xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) cũng chưa thể thu hồi được, đang bỏ hoang giữa cơn "khát đất" của người nông dân.
Cựu Chủ tịch công đoàn cơ sở BISUCO Trần Văn Đồng nhớ lại, thời kỳ cực thịnh nhất, mỗi năm doanh thu của BISUCO lên đến 400 tỷ đồng, có năm công ty lãi khoảng 200 tỷ.
Mía khắp nơi trong dải đất Nam Trung bộ, Tây Nguyên ùn ùn đổ tới, nhà máy sản xuất ra đường xuất khẩu đi nhiều nơi. Thường trực trong nhà máy luôn có trên 400 công nhân làm việc bận rộn, vui vẻ.
Đến nay, hơn 300 người lao động của BISUCO đa số tuổi đã lớn nên khi công ty phá sản họ số nhiều trở nên thất nghiệp, chịu nhiều thiệt thòi. Sắp tới, khoản tiền bán đấu giá trên 62 tỷ đồng từ trụ sở BISUCO phải đợi tòa án phán quyết. Tuy nhiên, sự việc có thể phải nhờ đến luật pháp quốc tế nên hồi kết ở BISUCO có thể còn kéo dài.
"Số tiền cỏn con 62 tỷ làm sao trả nổi nợ nần của công ty được. Giờ ông chủ người Ấn Độ thì biệt tăm, người lao động chúng tôi thì như rắn mất đầu, tan rã hết chẳng biết ai đứng ra bảo vệ quyền lợi giúp tại tòa", ông Đồng lo lắng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định Trần Văn Trung cho biết, đối với quyền lợi người lao động BISUCO, trước mắt chúng tôi sẽ giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 154 người và giải quyết lương hưu cho 5 người khác. Số còn lại họ đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để sau này nếu đủ tuổi, đủ điều kiện họ sẽ tiếp tục hưởng các quyền lợi hoặc giải quyết trợ cấp 1 lần.
Theo Giám đốc Sở LĐTBXH Bình Định Nguyễn Mỹ Quang, hiện các đơn vị liên quan đang hoàn tất cả thủ tục để tiếp tục kiện người đứng tên đại diện BISUCO ra tòa án. Các tranh chấp cần phải đợi tòa án phán quyết, hoặc tòa sẽ cưỡng chế theo đúng quy định.
"Còn ở phạm vi địa phương, chúng tôi cũng thống nhất quan điểm rõ ràng, giải quyết quyền lợi cho người lao động trên hết, quyền lợi đến đâu giải quyết đến đó, từ bảo hiểm, lương, trợ cấp thất nghiệp", ông Quang khẳng định.