Dân Việt

Tôm, cá Việt đua nhau "bơi" sang Mỹ

Khánh Nguyên 24/03/2021 15:06 GMT+7
2 tháng đầu năm 2021 chứng kiến sự lội ngược dòng của thủy sản Việt Nam khi giá trị xuất khẩu tăng đáng kể, trong đó Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành nước mua nhiều thủy sản của Việt Nam nhất.

Giá trị xuất khẩu tăng đột biến

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1/2021. 

Trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Australia (gấp 2,1 lần). Nhật Bản đạt 112,25 triệu USD, tăng 26,5%.

Đáng chú ý, Mỹ đã vượt Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về lượng và lớn thứ 6 về trị giá cho Mỹ trong tháng 1/2021, đạt 24.800 tấn, trị giá 137 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 8,5% trong tháng 1/2020, lên 9,1% trong tháng 1/2021.

Tôm, cá Việt “lội ngược dòng” - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Vĩnh Hoàn. Ảnh: T.L

Giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu một số sản phẩm có sự tăng trưởng vượt trội như cá tra phile đông lạnh tăng 53% và là mã sản phẩm đứng đầu về giá trị xuất khẩu, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. 

Tiếp đến là tôm chân trắng chế biến tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu; tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu tăng 39%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, nhập khẩu tôm vào Mỹ năm 2021 sẽ tiếp tục tăng đạt mức hơn 800.000 tấn với trị giá 7,78 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và 1,2% về trị giá so với năm 2020.

Vượt qua các hàng rào kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các dòng thuế được cắt giảm theo cam kết thì những hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên và có sự chuyển dịch nhiều hơn.

 "Ngoài việc đảm bảo tiêu chí cho xuất khẩu thì việc thực hiện các chương trình an toàn dịch bệnh của từng chuỗi, từng doanh nghiệp phải chặt chẽ hơn để vượt qua được các hàng rào kỹ thuật được dựng lên" - ông Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nam, Việt Nam có lợi thế về vùng nguyên liệu tuy nhiên hiện nay chúng ta đang gặp phải sự cạnh tranh từ các nước, chưa kể các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường để tránh các điều tra về thuế và xuất xứ sản phẩm.

Đồng thời, thiết lập chủ động kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các khó khăn trong xuất khẩu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản…