Theo đó, ngày 23/3, Cục Y tế Dự phòng nhận được thư của COVAX Facility thông báo về việc phân bổ vắc xin Covid-19 của COVAX Facility sẽ chậm hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân do các nhà sản xuất mở rộng quy mô và tối ưu hóa quá trình sản xuất vắc xin.
Dự kiến, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên của COVAX Facility bao gồm khoảng 811.200 liều sẽ được giao trong 3 tuần tới.
Số lượng vắc xin Covid-19 này thấp hơn số lượng dự kiến theo thông báo trước đó. Số lượng giao hàng của lô đầu tiên dựa trên tỷ lệ phân chia công bằng nguồn cung ứng hiện có đối với các thành viên thụ hưởng của chương trình COVAX Facility.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.
Ngoài vắc xin Covid-19 AstraZeneca, Việt Nam cũng đang lên kế hoạch nhập vắc xin Sputnik V của Nga. Ngày 23/3 Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Vắc xin Sputnik V là vắc xin Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam và Việt Nam là nước thứ 56 phê duyệt khẩn cấp sử dụng vắc xin này. Ước tính vắc xin Sputnik V có thể bao phủ cho 1,5 tỷ người dân trên thế giới.
Hiệu quả của Sputnik V là 91,6%, được xác nhận bởi dữ liệu được công bố trên Lancet, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất và uy tín nhất thế giới. Đây là một trong ba loại vắc-xin trên thế giới có hiệu lực bảo vệ trên 90%.
Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài ra, Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vắc xin, dược cũng đã khẩn trương làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ và các nước khác đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc xin Covid-19. Cho đến nay chưa có đơn vị nào trong số các hãng nêu trên cho biết về khả năng cung ứng vắc xin trong năm 2021.
Để có thêm nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin Covid-19 cho Việt Nam để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin Covid-19.
Không ghi nhận ca Covid-19 mới trong ngày 24/3
Cũng chiều ngày 24/3, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 mới.
Cả nước hiện vẫn có 2.576 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP.Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca), Hưng Yên (3 ca).
Đến hôm nay, 10 tỉnh, thành phố đã qua 39 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã tròn qua 36 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng, đã qua 29 ngày thành phố này không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.
Tính riêng tại địa bàn Hải Dương, một trong hai địa phương đầu tiên có dịch trong đợt này và là địa phương dịch kéo dài nhất, phức tạp nhất, 6 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới.