Giá tiêu tăng trở lại, chủ vườn chật vật thuê nhân công thu hoạch
Ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu ngày 25/3 tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tăng lên mức trên 76.000/kg, thậm chí có nơi giá tiêu đạt gần 80.000 đồng/kg sau 2 ngày hạ nhiệt.
Hiện các vườn tiêu đang bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ, song chưa bao giờ các chủ vườn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công thu hoạch gay gắt như hiện nay.
Theo thống kê hiện nay, tỉnh Đồng Nai có hơn 12.000ha trồng tiêu, còn Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có trên 11.000ha tiêu. Do đang vào mùa thu hoạch rộ, giá tiêu tăng cao nên nhu cầu sử dụng lao động hái tiêu hiện nay rất lớn.
Bởi nếu không thu hoạch kịp thời, chùm tiêu chín đỏ sẽ sẽ bị rơi rụng xuống đất, rất khó thu nhặt hết. Chủ vườn không chỉ bị thất thoát lớn mà còn làm ảnh hưởng đến việc tiêu ra hoa của vụ sau.
Vườn tiêu nhà ông Nguyễn Minh Vĩ tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đang trong thời gian thu hoạch. Niên vụ này do mưa nắng thất thường nên sản lượng tiêu của gia đình ông ước tính giảm mất 1/3 so với cùng kỳ. Dù thời điểm này giá tiêu đang tăng trở lại nhưng ông Vĩ lại vất vả vì khó kiếm người hái tiêu.
Theo ông Vĩ, giá tiêu đang tăng trở lại nên các vườn ở địa phương đều muốn thuê người hái gấp để bán. Nhiều người lo sợ sắp tới giá tiêu lại hạ xuống và không tăng trở lại như những năm trước. Hiện gia đình ông Vĩ đang thuê 4 người hái tiêu với giá tiền công 250.000 đồng/ngày.
"Hôm nay tôi bán tiêu cho thương lái với giá 77.000 đồng/kg nên rất phấn khởi. Nhưng thực ra, với mức giá này tôi vẫn chưa thu lãi nhiều. Sau khi trừ hết công chăm sóc, nhân công hái tiêu sẽ chỉ còn dư chút ít.
Trước đây khi tiêu giá chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, nhân công rất nhiều và chủ yếu chúng tôi trả công bằng cách chia tiêu cho họ. Mỗi công nhân sẽ được trả khoảng 40 - 50% số tiêu hái được trong ngày, vì chúng tôi không có tiền để trả công. Còn năm nay thì khác, giá tiêu tăng gấp đôi năm ngoái nên nhà nào cũng cố gắng kiếm đông người hái để bán sớm, ráng gỡ gạc lại những khó khăn của mấy năm trước, thành ra bị thiếu lao động", ông Vĩ nói.
Nhà vườn nghĩ đủ "chiêu" giữ nhân công
Tương tự, vườn tiêu nhà bà Nguyễn Thị Hoa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cũng đang trong tình trạng thiếu người hái tiêu. Nhìn vườn tiêu chín già, bà Hoa rất sốt ruột bèn chọn cách trả công khoán cho người làm với giá 3.000 đồng/kg.
Như vậy, trung bình mỗi ngày người hái tiêu sẽ được bà Hoa trả số tiền khoảng trên 200.000 đồng. "Có một số khu vực trong vườn tiêu đã chín đỏ rồi nhưng kêu nhân công không đủ nên không hái kịp. Tầm này nhân công có giá trị lắm, các vườn giành giật nhau thuê người nên giá cả cũng được trả chênh nhau để chèo kéo người hái", bà Hoa kể.
Trước thực tế khó khăn về nhân công, để tìm được người hái tiêu, nhiều chủ vườn phải nghĩ ra nhiều thứ đãi ngộ để thuê bằng được nhân công.
Chị Hoàng Thị Mận, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói rằng năm nay do tiêu mất mùa, mất giá từ đầu năm nên nhiều thanh niên trẻ ở địa phương đã đi làm công nhân. Hiện nay nghề làm công nhân đang ổn định nên không ai bỏ công ty để về hái tiêu, do đó khan hiếm người hái.
"Giờ không có nhân công địa phương nữa mà chúng tôi phải thuê người từ miền Trung vào hoặc dưới miền Tây lên. Do họ ở xa đến nên phải lo cho họ chỗ ăn ở để đảm bảo việc hái tiêu suôn sẻ, nhanh chóng. Mỗi ngày tôi trả họ 270.000 đồng tiền công nên họ làm việc rất chăm chỉ, không muốn rời vườn của tôi vì tôi trả giá cao hơn chỗ khác", chị Mận chia sẻ.
Trong khi đó, may mắn hơn những nhà khác, nhà chị Nguyễn Chúc lại có 6 người đang chăm chỉ hái tiêu. Chị Chúc cho biết, 6 công nhân này là "mối ruột" của gia đình chị. Cứ đến hẹn lại lên, đến vụ chị chỉ cần gọi điện thoại cho họ là được nên không mất nhiều công sức tìm người.
"Năm nào tôi cũng trả giá cao hơn những vườn khác và lo ăn uống đầy đủ cho họ nên cứ đến mùa hái tiêu, là tôi không tốn công tìm người. Năm nay đầu mùa giá tiêu thấp nhưng giá tiêu hiện nay đang cao dần lên nên tôi cũng trả cho họ số tiền cao hơn 1 số vườn bên cạnh" - chị Chúc nói.
Theo chị Chúc, ngoài phục vụ nhân công ăn 2 bữa ra, họ còn nhận được hơn 250.000 đồng/người cho 1 ngày công. "Bên cạnh đó cứ cuối vụ, nhà tôi lại tặng cho mỗi người mấy kg tiêu để ăn dần. Năm nay mặc dù tiêu mất mùa, sản lượng giảm gần phân nửa nhưng giá tăng nên cũng giúp nông dân gỡ gạc lại phần nào khó khăn của 2 năm qua", chị Chúc tâm sự.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách đây 5-6 năm, giá tiêu ở mức cao, người dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt tăng diện tích. Nhưng 2 năm trở lại đây giá tiêu liên tục xuống thấp nên người dân không chú tâm chăm sóc. Nhiều diện tích đã được bà con chuyển đổi sang trồng thanh long, chuối, bưởi, cam nên sản lượng tiêu vụ này giảm mạnh.
Trên thực tế, ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược,… Do đó về lâu dài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến để nông dân đỡ lo lắng khâu tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Văn Phi cho biết, tỉnh rất quan tâm đến nguời trồng tiêu. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã làm việc với các hợp tác xã, nông dân để cố gắng có những chính sách phù hợp cho cây hồ tiêu, như hỗ trợ về sơ chế, về kỹ thuật sản xuất, đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn GAP, xây dựng thương hiệu hàng hóa… Qua đó giúp sản phẩm hồ tiêu Đồng Nai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Mục tiêu cuối cùng là để cây tiêu phát triển bền vững, nông dân trồng tiêu có thu nhập tốt hơn.
Ghi nhận của PV, giá tiêu tại Đồng Nai tiêu được thương lái thu mua với giá 76.000 – 77.000 đồng/kg. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu hiện dao động từ 78.500 đồng/kg, đến gần 80.000 đồng/kg tuỳ khu vực.