Theo ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, vụ lúa đông xuân 2020-2021, bà con nông dân trên địa bàn trồng 47ha lúa hướng hữu cơ, năng suất 7,2 tấn/ha, giá lúa 8.000-9.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, nhằm né hạn mặn, chính quyền huyện Gò Công Tây khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ.
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, toàn huyện Gò Công Tây có 47ha trồng lúa theo hướng hữu cơ.
Ông nông dân Cao Hồng Tiết (ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh) cho biết, ông chuyển từ trồng lúa thường sang trồng giống lúa VD20 đặc sản theo hướng hữu cơ với 2ha.
Theo lối trồng lúa này, ông Tiết chỉ được phép sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học.
Cũng theo ông Cao Hồng Tiết, lúa trồng theo hướng hữu cơ sẽ được Công ty TNHH HK bao tiêu với giá cao hơn thị trường bình quân 200 đồng/kg.
"Bên cạnh việc được bao tiêu, không lo rớt giá, trồng lúa theo hướng hữu cơ còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ", ông Tiết chia sẻ.
Theo Công ty TNHH HK, hiện doanh nghiệp này đang mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Tại xã Phú Tân (Gò Công Đông), doanh nghiệp này đang triển khai trồng lúa hướng hữu cơ theo mô hình "con tôm ôm cây lúa".
Hiện xã này, ngoài gần 200ha nuôi tôm theo mô hình tôm-lúa, còn có hàng trăm hecta nuôi tôm quảng canh.
Bà Nguyễn Thị Nhành (ấp Phú Hữu) một nông dân đang tham gia trồng hơn 1,5 ha lúa VD20 theo hướng hữu cơ trong ao tôm cho biết, trước đây gia đình cũng có trồng lúa trong ao tôm, chủ yếu là các giống lúa thường, phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều.
Từ khi được Công ty HK hỗ trợ giống, quy trình sản xuất trồng lúa VD20 theo hướng hữu cơ, bà không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên không ảnh hưởng đến việc nuôi tôm.
"Tham gia trồng lúa theo hướng hữu cơ tôi thấy chi phí phân, thuốc, công lao động giảm đáng kể, chất lượng lúa đạt rất cao. Với 1,5 ha lúa 1 vụ/năm có thể cho thu nhập thêm 40-50 triệu đồng", bà Nhành bộc bạch.
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, hiện công ty đã triển khai cho nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn của 5 địa phương của tỉnh Tiền Giang với diện tích hơn 500ha.
"Công ty hỗ trợ giống lúa VD20, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo cho bà con nông dân. Công ty đang thu mua lúa của nông dân với gía cao hơn giá thị trường 100-200 đồng/kg. Hiện, công ty đang tiến hành đăng ký thương hiệu sản xuất lúa hữu cơ", ông Hải chia sẻ.
Theo ông Tấn, dự kiến đầu tháng 6 này, bà con nông dân của huyện sẽ xuống giống vụ lúa hè thu theo hướng hữu cơ. Diện tích triển khai khoảng 60-70ha.
"Huyện đã có định hướng trồng lúa theo hướng hữu cơ để làm sản phẩm đạt chuẩn châu Âu đủ sức cạnh tranh chất lượng với các sản phẩm gạo nước ngoài. Nếu doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu đầu ra, huyện sẽ vận động nông dân mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ", ông Tấn chia sẻ.
Ông Ngô Văn Dũng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Công Tây đánh giá, thời gian qua, trồng lúa theo hướng hữu cơ gắn với doanh nghiệp bao tiêu, giải quyết đầu ra đã giúp cho nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
"Trồng lúa theo hướng hữu cơ là mô hình mới của địa phương. Mô hình này đang mở ra hướng phát triển bền vững cho cây lúa và nghề trồng lúa tại huyện Gò Công Tây", ông Dũng cho biết.
Với định hướng như thế, huyện Gò Công Tây đang mở rộng diện tích vùng trồng lúa VD20 đặc sản lên khoảng 2.500ha.
Huyện Gò Công Tây là địa phương có vùng canh tác giống lúa VD20 tập trung lớn nhất của tỉnh Tiền Giang.