Những năm "đói như hắc tinh tinh, như con vật ở địa ngục" không quật ngã được Thiệp. Ông rách chân đạp đá vào rừng chặt tre làm lán, dựng trường. Ông đi bộ 26km đến trạm xá nhổ răng, về đi bộ 26km ê ẩm toàn thân, đến hôm sau mới biết bị nhổ nhầm răng... tốt. Nơi rừng thiêng nước độc, dùng nước lạnh nhiều nên chưa già nhà văn đã hỏng răng, thập kỷ cuối đời nhai răng giả.
Trường bổ túc đã không còn. Nhà văn rớm lệ khi gặp người quen cũ. Bao năm trở lại một lần được du thuyền thăm lòng hồ Thủy điện Sơn La và trở lại trường cấp 3 Mai Sơn, nơi ông dạy hơn 2 năm trước khi quay lại Thủ đô.
Ở đây, ông làm công việc can bản đồ, bìa sách cho NXB Giáo dục. Văn học Việt Nam hiện đại ra thế giới, ít ỏi, trong đó một phần được dịch do quan hệ. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp hội tụ nhiều đặc biệt. Nước ngoài biết đến ông bởi dư chấn từ Việt Nam. Đến nay, số đông vẫn nhầm lẫn Nguyễn Huy Thiệp sáng tác muộn, tính theo mốc 1986, truyện ngắn đầu tiên in báo Văn nghệ nhưng điều đó không đúng.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, đăng đàn năm 36 tuổi, nhưng ông đã sáng tác truyện đầu tiên khi 21 tuổi "Trái tim hổ". Ở nơi "khỉ ho cò gáy" ông viết, gom giữ lại, sau về Hà Nội, in thành tập "Những ngọn gió Hua Tát".
Trong các truyện đó, có "Sống dễ lắm". Giễu nhại đấy. Khốn khổ, thiếu thốn lắm, làm gì có chuyện "dễ" đâu. Nhưng có câu: "Nhìn vào mắt trẻ con mà sống!". Mắt trẻ con là mắt con trai ông, thăm thẳm xa xôi - đốm sáng hy vọng vẫy gọi.
Sau khi cưới người bạn gái hiền thục hơn 3 tuổi, cô gái làng Vẽ (con gái thầy đồ, cô Trang mồ côi mẹ khi 3 tuổi), Nguyễn Huy Thiệp lại lên Sơn La.
Bà Phan Thị Trang sinh con trai Nguyễn Phan Bách năm 1976 ở Hà Nội, rồi lại đưa con nhỏ sang Bắc Ninh tiếp tục dạy học. Thỉnh thoảng, thăm vợ con, thầy giáo Thiệp từ huyện Mai Sơn (hơn 7 năm đầu ở bản Hua Tát, xã Cò Nòi) chỉ chắt bóp lương eo hẹp, mua măng, củi.
Được ông anh quý cho vài thân gỗ bán thêm thu nhập, rồi Thiệp cũng chẳng tham nổi vì phiền phức nhưng "vốn liếng" dữ liệu vụ thuê thợ đốn cây, xẻ gỗ cho ông viết "Những người thợ xẻ" (1988), năm 1998 đạo diễn Vương Đức làm phim nhựa (kịch bản gộp cả truyện "Con gái Thủy thần"). Đời như cuốn phim li kì, kịch tính… nên Thiệp viết đầy chất điện ảnh bởi thế mà các đạo diễn tài năng đã nhanh mắt nhanh tay đưa lên màn bạc.
"Tướng về hưu" (1988) của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi gây chấn động khi ông dũng cảm dùng chỉ tiết truyện làm phim con dâu tướng Thuấn, bác sĩ Thủy (Hoàng Cúc) lấy nhau thai ở Bệnh viện Phụ sản về xay cho chó becgiê ăn. Nổi tiếng đến mức, đọc và bàn luận về truyện Nguyễn Huy Thiệp thành khẩu vị thời thượng của cả trí thức lẫn thị dân từ Bắc vào Nam.
Đến "Thương nhớ đồng quê" (1992), đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể kịch bản và làm phim (1995) cũng không bỏ chi tiết vàng. Và phim dự nhiều liên hoan phim, nhận giải thưởng quốc tế. Đó là mở đầu cảnh Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) đi đón chị Quyên Việt kiều (Lê Vân) từ ga tàu, đèo về bằng xe đạp, đi qua cánh đồng làng quê. Cảnh Nhâm xuất tinh đầu đời trai khi nhìn chị Quyên tắm sông từ trong ruộng ngô xanh ngát. Có ai biết, cái giá của sự nổi tiếng là sau đó, Nguyễn Huy Thiệp bị ép về hưu non và không hề kèm "một cục" (tiền), không có lương hưu.
Sinh con trai thứ Nguyễn Phan Khoa 30/1/1983 ở Bắc Ninh, trong khi con cả Bách được về Hà Nội năm 1980 với bố. Năm 1986, bà Trang và con trai út Khoa mới được đoàn tụ khi chồng xin cho chân sửa mo-rát ở NXB Giáo dục.
Nhờ GS Đặng Hùng Võ tác động giúp mà gần 3 năm cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp mới được lương hưu tối thiểu 1,95 triệu/tháng. Bệnh tim mạch, tiểu đường huyết áp cao, bao năm sống bằng "lộc văn" tùng tiệm, Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ kêu than khó nhọc, kể cả lúc ông bất lực, nản buồn. Ông bền gan, kiên cường bản lĩnh bằng sự trầm tĩnh đối mặt. Văn hiện đại, lại chơi thân với 2 ông làm thơ lục bát Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh… cũng là cách để cân bằng.
Cú ngã 4/3/2020 giáng mạnh vào ông. Nằm Bạch Mai một tuần, chuyển sang Bệnh viện Y học Cổ truyền Công an, nhà văn không có bảo hiểm, được bạn hứa giúp 60%. Nhưng khi xuất viện vẫn thanh toán gần 100 triệu, vì bảo hiểm không chi trả cho thuốc lá (Đông y).
Đôi bàn chân đi giày 40 - to so với khổ người, thời trai leo núi, từ lúc tập đã nhúc nhắc chống gậy trong sân, đến ngày liệt hẳn nửa người bên trái. Tai biến cố tập, vật lý trị liệu, thuốc và sữa cả triệu một ngày, cũng không trở về như cũ. Ngày mưa 27/11/2020, bà Trang ăn trưa xong, kêu mệt, nằm ngủ và ra đi. Ngày mưa 20/3/3021, ngày Quốc tế hạnh phúc, Nguyễn Huy Thiệp đi theo vợ, về với ông bà, mẹ cha và anh Thăng.
Những truyện ngắn hay nhất Nguyễn Huy Thiệp đều dành đăng tải trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng Hội chưa một lần trao giải gì cho ông. Gió Hua Tát quyến luyến kí ức và mạch tâm hồn, định hình Nguyễn Huy Thiệp. Và ông bằng những trang văn tài hoa, hấp dẫn, ý nghĩa đa chiều, thổi luồng gió mới cho văn chương Việt Nam: nghĩ, viết, đọc khác và chính những luồng gió ấy thổi cho văn học Việt Nam lật trang mới tự hào ở châu Âu: Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Hà Lan...
"Đọc những thiên truyện của ông, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: "Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng".
Đấy là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho tới khi giã từ thế gian mà không hề nao núng, không hề đổi thay cho dù trên con đường ấy quá nhiều chông gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ.
Ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người.
Nhưng trong các truyện ngắn của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc trong "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của rừng", "Chảy đi sông ơi", "Con gái thủy thần"…
Dòng chảy kỳ vĩ đó làm cho con người thấy ấm áp, thấy yêu thương và thấy được những giấc mơ làm người đẹp đẽ của mình trong mọi hoàn cảnh. Ông thực sự mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn.
Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kị, mọi khiêu khích thậm chí cả những khiêu khích trong chính lúc này và cả những đe dọa.
Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó", trích điếu văn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Tôi rất hay được gặp, trò chuyện thân tình với dịch giả Phan Huy Đường, người dịch truyện của Nguyễn Huy Thiệp, in nhiều lần ở NXB L'Aube, Philippe Picquier. Có vài người bào chữa hộ Hội Nhà văn Việt Nam: "Vì ông Thiệp quá nổi tiếng, nên Hội không trao giải và cần gì giải".
Than ôi! Nhưng giải thưởng Nhà nước lại đặt ra quy chế phải có giải thì tác phẩm mới được làm hồ sơ trình xét nên Chủ tịch lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nói hơn một lần tại các hội thảo, đại hội: "Hội nợ anh Nguyễn Huy Thiệp Giải thưởng Nhà nước". Đây là giải thưởng tôn vinh thành tựu trọn đời lẽ ra phải trao chục năm nay. Bởi đầy rẫy tác giả - nhà thơ một bài đã được tôn vinh "quá cỡ". Mà Nguyễn Huy Thiệp quá xứng đáng lại bị "bỏ quên"!
Nhân vật Tốn dở hơi trong truyện ngắn "Không có vua" (nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp coi là một kiệt tác) nói: "Vua là tiền!". Nguyễn Huy Thiệp không nhận mình là "vua" nhưng ngôi vị của ông vẫn vững bền, tỏa sáng.
Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng Nguyễn Huy Thiệp được Giải đợt VI trao 2021, để tiền giải hỗ trợ "vua" lúc ốm đau. Muộn rồi! Vợ chồng ông đã ra đi, ông không chờ nổi sự tôn vinh muộn màng, sẽ chỉ thành an ủi cho con cháu.
Đã từng ồn ào khi có một bộ phận chỉ trích Nguyễn Huy Thiệp giải thiêng, hạ bệ cả những nhân vật lịch sử như vua Quang Trung. Một người am hiểu sử như ông có quyền phóng chiếu lịch sử ở độ giãn cách qua sáng tạo hư cấu.
Người ta thấy ông có vẻ quê mùa, đôi khi ăn mặc tuềnh toàng, nhưng khi ông ra nước ngoài thì complet, cravate, nhảy đầm sành điệu dù thế nào thì tôi vẫn thích những truyện ngắn của ông viết về nông thôn.
Trong loạt bài trò chuyện với hoa thủy tiên (2004) ông đã gây bão tố cả nước, ra quốc tế khi viết đại ý: nhà văn Việt Nam 80% mang căn tính nông dân, hay mang tính đố kị ghen ghét nhau.
Thật tuyệt vời khi đọc "Chảy đi sông ơi" (1985), "Những bài học nông thôn" (1988), "Thương nhớ đồng quê" (1992), "Chăn trâu cắt cỏ" (1996). Người ta có thể phản ứng, phẫn nộ, nhảy dựng lên không phải vì nói sai mà vì nói đúng, trúng quá, Nguyễn Huy Thiệp bóc mẽ tài tình là cuộc "giải phẫu" để hướng tới những điều tốt đẹp, yêu thương.