Trào nước mắt khi nghe bạn thân kể về những ngày cuối đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 23/03/2021 14:23 PM (GMT+7)
Nhà thơ Bảo Sinh – người bạn rất thân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lần đầu kể về những ngày tháng cuối đời của người bạn tri kỷ.
Bình luận 0

Nguyễn Huy Thiệp - Bảo Sinh: Tình bạn được ví như Ba Giai - Tú Xuất

Ngạn ngữ có câu rằng: "Ở đời không quan trọng gặp nhau ngắn hay dài, quan trọng là hãy chân thành với nhau". 72 năm hiện hữu giữa cuộc đời, Nguyễn Huy Thiệp đã đi đến tận cùng sự chân thành trong văn chương và sự chân thành trong đời sống.

Trào nước mắt khi nghe bạn thân kể về những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thác về cõi Phật... nhưng ông sẽ còn ở lại trong tâm tưởng của nhân gian.

Có lẽ vì thế, đã 3 ngày ông trút bỏ mọi đớn đau, mọi bi ai, mọi đày ải... của kiếp người trót nặng nợ văn chương để về chốn thinh không nhưng người đời vẫn không ngừng nhắc nhớ về ông. Nhắc nhớ với một tấm lòng yêu thương vô hạn, nhắc nhớ với một tấm chân tình ngồn ngộn tâm tư.

Và người ta tin rằng, những cuộc gặp ngắn ngủi hoặc dài lâu với Nguyễn Huy Thiệp trước đây không còn quan trọng nữa. Quan trọng là ông đã đi xa nhưng vẫn còn ở lại trong tâm tưởng của muôn triệu người. Những áng văn chương đầy sức lay động và ám ảnh của ông vẫn ở lại với dòng chảy văn chương, thời cuộc, loài người.

NSƯT Chiều Xuân cảm thán: "Những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, văn phong của ông, lối sống lẫn cách hành xử của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến con đường hình thành lối đi cho cuộc sống nghệ thuật của tôi.

Hạc đã sải cánh bay về trời sau những ngày "Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt" cho những trầm luân. "Những ngọn gió Hua Tát" sẽ mang linh hồn ông mãi rong ruổi nơi đại ngàn xanh ngắt kia. Thác về đất Phật… nhưng tôi tin lòng ông vẫn đau đáu khôn nguôi về cõi đời này".

Là một trong số những người bạn thân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Bảo Sinh đã vô cùng đau đớn trước sự ra đi của bạn mình. Ông liên tiếp có những vần thơ ai oán "Thiệp ơi! Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng/Chưa quay nhìn đã hóa cố nhân" hoặc "Huy Thiệp nằm im/ Ngậm miệng thành thiền/Nhắm mắt thành tiên".

Nhà thơ Bảo Sinh kể: "Tôi và Thiệp thân nhau hơn 30 năm - từ lúc tóc còn xanh nay đầu đã bạc. Trong hơn 30 năm, mỗi ngày trung bình chúng tôi ngồi bên nhau khoảng 6 giờ. Hồi trẻ, chúng tôi đi dạo bờ hồ 3 vòng, sau rút xuống 2 vòng rồi lại rút xuống 1 vòng, cuối cùng chỉ còn 1/2 vòng đã thấy mệt. Những năm đầu mỗi vòng đi dạo bờ hồ, chúng tôi chào hỏi mươi mười lăm bạn quen, năm cuối đi năm mười vòng mới gặp một bạn quen.

Trào nước mắt khi nghe bạn thân kể về những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 3.

Tình bạn Nguyễn Huy Thiệp - Bảo Sinh từng được ví như Ba Giai - Tú Xuất.

Lần cuối, tôi và Thiệp ngồi trên ghế đá trông sang Tháp Rùa bẻ đôi củ khoai chia nhau. Thiệp bảo đây có thể là buổi dạo hồ lần cuối. "Bây giờ giáp mặt đôi ta/Biết đâu rồi nữa lại là chiêm bao".

Sáng sau tôi nghe gia đình báo tin Thiệp bị tai biến, tôi vào ngay bệnh viện Bạch Mai thăm Thiệp. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, con Thiệp bảo: "Bố có nhận ra bác Sinh không?". Thiệp không trả lời đọc luôn bài thơ của tôi: "Bệnh quỷ thuốc tiên/Bệnh tiên thuốc Thánh/Bệnh thánh thuốc Phật/Bệnh thật thuốc giả".

Lần sau vào thăm Thiệp, con Thiệp lại bảo: "Ngày nào bố cũng đọc thơ bác Sinh, bố có nhớ bài nào không?", mặc dù còn nửa tỉnh nửa mê, Thiệp đọc ngay: "Cùng chung một chuyến đò ngang/Kẻ thì sang bến người đang trở về/Lái đò lái mãi thành mê/Sang về chẳng biết mình về hay sang".

Lần thứ 3 tôi vào thăm, Thiệp đã hôn mê. Tôi đọc thơ cho Thiệp nghe, nét mặt Thiệp biểu lộ có nhận biết. Không mấy ai biết Thiệp và Sinh cùng đồng sáng tác. Sinh có tài rút ngắn truyện của Thiệp thành một câu thơ. Thiệp có tài triển khai một cầu thơ của Sinh thành truyện ngắn như bài thơ "Đò ngang" của Bảo Sinh triển khai thành truyện ngắn "Sang sông". Sinh đồng cảm với kịch "Nhà Ô-sin" của Thiệp trong một câu thơ đọc khi kết thúc kịch diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội: "Bỏ cả giang sơn vì người đẹp/Biết đâu người đẹp thích giang sơn".

Những buổi đi dạo bờ hồ một mình, mọi người thường hỏi: "Hôm nay Ba Giai đi một mình à?". Họ gọi tôi với Thiệp là Ba Giai và Tú Xuất, nhưng không biết ai là Ba Giai, ai là Tú Xuất.

Thiệp thường đi chiếc xe máy màu vàng. Tối qua thấy chiếc xe màu vàng đi qua, tôi chạy theo gọi Thiệp mới sực tỉnh là Thiệp đã rời cõi tạm. Tôi bàn với Tuần "gồ ghề" - chủ cà phê Nhân sẽ đặt một biển đồng nhỏ xíu gắn vào trên mặt bàn nơi Thiệp thường ngồi. Khi nào làm xong sẽ thông báo cho mọi người biết".

Nhà thơ Bảo Sinh cho biết thêm, mấy hôm trước, ông có thông báo sẽ đọc một bài điếu văn trong tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về tình bạn của cả hai. Việc này ông thực hiện theo đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều mà PGS.TS Ngô Văn Giá đại diện gọi điện đặt vấn đề.

"Tôi biết tôi là nhà thơ dân gian, không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cũng không bao giờ đọc điếu văn ở chốn cung đình, nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận ngay vì không thể làm tủi vong linh bạn tôi. Tôi lại vừa nhận được truyền đạt của PGS.TS Ngô Văn Giá theo lệnh của Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều là hủy bài diễn văn trong ngày tang lễ. Dù bài văn điếu không đọc trong buổi tang lễ, tôi vẫn chia sẻ cùng các bạn và linh hồn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cảm thấy đủ".

"Văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn "nổi loạn!"

Nhà văn Châu Hồng Thuỷ từng kể rằng, năm 1988, ông là người đầu tiên viết giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp trên báo "Người giáo viên nhân dân" trong chuyên mục "Các nhà văn là nhà giáo". Chính ông cũng là người đầu tiên viết luận văn Cao học về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp năm 1989.

Trào nước mắt khi nghe bạn thân kể về những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 4.

Từ trái sang: Nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Châu Hồng Thủy.

"Nguyễn Huy Thiệp là giáo viên Sử, dạy học ở Sơn La khoảng 10 năm. Thời ở Sơn La, chúng tôi chẳng biết nhau. Anh lên trước tôi 6 năm, dạy ở thị trấn Hát Lót, còn tôi ở Thuận Châu. Trong các cuộc họp cộng tác viên của Ty Văn hóa, trong các số tạp chí Văn nghệ Sơn La, không thấy anh xuất hiện bao giờ. Có lẽ mười năm ở núi rừng là thời gian anh đóng cửa "luyện công".

"Hạ sơn" được sáu năm (1986), 36 tuổi, anh mới ra những "chiêu" đầu. Tuy chưa xuất sắc nhưng ngòi bút chứng tỏ có tay nghề. Đọc chùm truyện giả cổ tích "Những ngọn gió Hua Tát" của anh trên báo Văn nghệ, lúc ấy tôi cũng chưa chú ý lắm.

Tiếp đó đến "Tướng về hưu", ông Lãng - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc hỏi tôi: "Cậu đọc Tướng về hưu chưa?", tôi trả lời: "Em đọc rồi!", ông hỏi lại: "Cậu thấy thế nào?", tôi đáp: "Cũng tạm được". Ông Lãng trợn mắt: "Tạm được là thế nào? Phải nói là rất giỏi. Tớ khoái tay này lắm". Tôi giật mình, đọc lại. Té ra ông Lãng đúng.

Năm 1988, tôi về Hà Nội, lúc ấy, Nguyễn Huy Thiệp vừa in liền hai truyện ngắn "Kiếm sắc" và "Vàng lửa" trên Văn Nghệ. Thời đó, tòa soạn báo "Người giáo viên nhân dân" mời tôi và Trần Hòa Bình, Thế Sinh... tham gia số đặc biệt, có trang giới thiệu các nhà văn là nhà giáo.

Tôi và Thế Sinh đạp xe vào Xóm Cò, Khương Đình (Hà Nội) tìm Nguyễn Huy Thiệp. Đến cổng nhà anh, hỏi thăm, một cháu bé bảo: "Chú ấy vừa đi cách đây 5 phút, các chú không gặp à?". Tôi hỏi lại: "Chú ấy người như thế nào?", cập bé mô tả: "Người thấp bé, đội nón lá". Lập tức, tôi và Thế Sinh quay xe đuổi theo.

Tuy chưa hề biết mặt nhưng chúng tôi nhận ngay ra anh, vì trên đường, chỉ có mỗi một người đàn ông đội nón lá phụ nữ. Tôi nghĩ bụng: "Tay này lập dị đây". Nghe chúng tôi trình bày lý do, anh bảo: "Bây giờ tôi đang đi công việc, không tiện quay về nhà. Mời các anh ghé vào quán cà phê nói chuyện".

Chia tay Nguyễn Huy Thiệp, Thế Sinh bảo: "Tay này kiêu lắm đấy", tôi cười: "Trông chẳng có tướng nhà văn chút nào". Nguyễn Huy Thiệp thấp bé, mặc áo cộc tay với cái quần simili đã cũ, đội nón lá rách, chẳng khác gì anh bốc vác ở bến xe Kim Mã. Chẳng lẽ tài năng văn chương lại nằm ở con người nhếch nhác đó sao? Hay là anh ta "ẩn tướng"?

Trào nước mắt khi nghe bạn thân kể về những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 5.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và bìa sách tác phẩm "Con gái Thuỷ thần".

Theo nhà văn Châu Hồng Thủy, sau này, có dịp nhìn kỹ hơn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông thấy nhà văn tả Nguyễn Du "mặt nhàu nát vì đau khổ" đã vận chính vào con người ông. Ngoài vẻ nhàu nát, mặt ông còn thêm vẻ lì lợm, hệt như nhân vật Chương của ông khi bước vào sới vật với Đô Thi, ném cả xắc-cốt có sách vở, tiền nong, chứng minh thư, thẻ Đoàn viên xuống sông, bẻ tan hàng rào sắt, để chứng tỏ tình yêu của mình với cô Phượng trong "Con gái Thủy thần".

"Gương mặt ấy tất phải sinh ra nhà văn như anh, lúc trần trụi, nhát gừng, hằn học, thậm chí có lúc tục tằn, rất đời thường. Có pha chất du côn; lúc lại rất trong sáng, trữ tình, thơ mộng, buồn man mác, mênh mang...

Luận văn sau đại học của tôi viết về "Tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp" do GS. Nguyễn Đăng Mạnh hướng dẫn. Hôm tôi bảo vệ, Nguyễn Huy Thiệp cũng đến dự. Bạn bè, sinh viên đến rất đông, phần vì đề tài đang là vấn đề thời sự, phần vì họ tò mò kéo đến xem mặt Nguyễn Huy Thiệp ra sao".

Nhà văn Châu Hồng Thủy cho rằng, văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn "nổi loạn". Nổi loạn về tư tưởng, nổi loạn về phong cách. Về tư tưởng, ông nghĩ những điều mà người khác không nghĩ đến, dám nói những điều mà người khác không dám nói. GS Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: "Văn đàn ta có hai người ngông. Cụ Nguyễn Tuân mới chỉ ngông về mặt nhân cách. Nguyễn Huy Thiệp ngông hơn, ngông về tư tưởng".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ được tổ chức hồi: 9h15 đến 10h30 ngày 24/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng hồi 15h30 cùng ngày tại Nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

BTC lễ tang gồm có nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (Trưởng ban tang lễ); Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn; Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Dương Dương Hảo - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên; Bà Thân Thị Vân Anh - Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và ông Phan Vĩnh Điển - đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem