Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chỉ đạo chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt vùng ĐBSCL.
Công điện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021 tại vùng ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Theo dự báo, trong tháng 4/2021, sẽ còn tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn gia tăng.
Để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt xảy ra cục bộ, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung các nhiệm vụ cụ thể sau:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển ở ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các địa phương phải xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị xâm nhập mặn để chỉ đạo triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.
Trong trường hợp cần thiết, có thể chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước và xâm nhập mặn, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn, vận động tổ chức trong nước, quốc tế hỗ trợ người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải theo dõi, dự báo, cung cấp bản tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo.
Đối với các bộ, ngành khác, theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân...