Dân Việt

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư: Sớm báo cáo Bộ Chính trị cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

PVCT 28/03/2021 07:56 GMT+7
Liên quan đến công tác cán bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, sẽ cố gắng sớm hoàn thiện cơ chế về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Trong chuyên đề về Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá nhiều vấn đề nổi bật, trong đó có công tác cán bộ.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư: Sớm báo cáo Bộ Chính trị cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (ảnh TTXVN).

Đối với công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ vừa qua được tiến hành từng từng việc, từng khâu. "Chúng ta có quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự. Lúc đầu thấy rườm rà nhưng sau đó thấy quy trình vừa có sự lãnh đạo, chỉ đạo vừa phát huy dân chủ.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo thể hiện như thế nào? Đó là ban hành các quy định, quy chế, định hướng, quy trình, lộ trình, cách làm, tiêu chuẩn, tiêu chí. Còn phát huy dân chủ, với sự lãnh đạo qua ban hành các quy định, quy trình, định hướng… như vậy thì đã phát huy dân chủ tối đa. Quy trình 5 bước so với quy trình 3 bước trước đây có khác nhau. Cấp ủy và thường vụ cấp ủy được hỏi 2 lần, lần thứ nhất là định hướng, lần thứ 2 là quyết định chọn nhân sự", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích.

Ông nói thêm, đối với quy trình lựa chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước được lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Với các quy trình như hai vòng 6 bước, hai vòng 8 bước và 2 vòng 9 bước. 

Ông Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đợt tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị.

Kết quả, có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục. Cả nước có gần gần 56.000 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56%; hơn 2.800 trường hợp sai về quy trình, thủ tục, chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát.

Vẫn nói về công tác cán bộ, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính cho biết, trong kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đã có 28 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X. "Đối với chọn cán bộ trẻ là việc khó, nhưng chúng ta đã đặt được số lãnh đạo nêu trên, đó có coi là điểm sáng", ông Phạm Minh Chính nói.

Tại nhiệm kỳ này, có 9 Bí thư Tỉnh ủy là nữ, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước, tương đương tăng 200%, trước đây có thời kỳ chỉ có 1 -2 trường hợp Bí thư Tỉnh ủy là nữ. Có 27 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải là người địa phương, tăng hơn 6,8%.

Vẫn là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, theo ông Phạm Minh Chính việc hiện nay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

"Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương rồi nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ. Chúng ta cố gắng làm", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói và cho biết thêm, vừa qua, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng dự thảo cơ chế này và qua nhiều vòng thảo luận song "vẫn thấy chưa yên tâm khi báo cáo Bộ Chính trị".

"Trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng đưa nội dung này vào. Trong năm nay (2021), theo phân công của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ báo cáo sớm việc này", ông Phạm Minh Chính nói.