Dân Việt

Vụ đông xuân "hoàn hảo", giá lúa tăng cao, lần đầu tiên nông dân trồng lúa ĐBSCL có lãi kỷ lục

Khánh Nguyên 31/03/2021 12:23 GMT+7
Lần đầu tiên, nông dân trồng lúa ĐBSCL thu lãi kỷ lục, khoảng 50%; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL nên giảm diện tích đất trồng lúa ở những nơi có thể bị tác động bởi hạn mặn...

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, có giải pháp điều hành phù hợp sau khi Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt nêu quan điểm này của các chuyên gia.

Thêm một vụ đông xuân hoàn hảo

Nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục có một vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi khi lúa trúng mùa mặc những tác động của xâm nhập mặn vẫn vô cùng phức tạp, và giá lúa gạo liên tục xác lập những kỷ lục mới, cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, vụ đông xuân 2020 - 2021, tinh thần sản xuất linh hoạt, "né" hạn mặn tiếp tục được phát huy, việc các địa phương chủ động xuống giống sớm, tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ đã giúp nông dân khắc phục được những tác động của hạn mặn, năng suất lúa được cải thiện và chủ động đón "sóng" thị trường.

Mềm dẻo trong sử dụng đất lúa ở ĐBSCL  - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa vụ đông xuân ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

Nghiên cứu thông tin Báo NTNN/Dân Việt nêu

Ngày 24/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1949/VPCP-NN gửi Bộ NNPTNT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo nêu.

Công văn nêu rõ, Báo Điện tử Dân Việt ngày 12/3/2021 có đưa tin: "Theo các chuyên gia về ĐBSCL, dù thời điểm này giá lúa đông xuân đang ở mức cao kỷ lục, các vùng ven biển nên giảm diện tích lúa và thay thế cây lúa bằng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, vùng không có nước mặn xâm nhập chỉ nên tập trung làm lúa chất lượng cao".

Từ thông tin Dân Việt đăng tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp điều hành phù hợp để xử lý thông tin nêu trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

P.V

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, vụ đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,51 triệu ha, giảm hơn 27.000ha so với vụ trước. 

Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch được khoảng 1 triệu ha, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây là năng suất lúa đạt cao nhất trong 5 năm qua.

Điều đáng ghi nhận là, dù giảm diện tích sản xuất nhưng sản lượng lúa đông xuân tăng, xuất khẩu gạo ổn định, giá lúa bán cao nên có lợi cho nông dân, thậm chí giá lúa đông xuân đã lập kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây khi đạt bình quân 7.000 - 9.000 đồng/kg. 

Giá lúa ổn định nên lợi nhuận của nông dân trồng lúa lần đầu tiên đạt trên 45%, có nơi như TP.Cần Thơ, nông dân đạt lợi nhuận tới 50%.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao, thậm chí giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 515 - 520USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 500USD tấn...

Đáng chú ý, Tổng Công ty Lương thực miền Nam cũng vừa giành được hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn gạo 5% tấm sang Bangladesh, với giá 600 USD/tấn.

Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, giá lúa phẩm cấp thấp như IR50404 còn tiệm cận, có thời điểm còn cao hơn giá của một số loại lúa thơm (lúa hạt dài) do diện tích lúa chất lượng thấp đang giảm đáng kể về diện tích.

Mềm dẻo trong sử dụng đất lúa ở ĐBSCL  - Ảnh 3.

Theo báo cáo tổng hợp diễn biến thị trường lúa gạo ở một số địa phương thuộc vùng ĐBSCL của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa thường (IR50404) ở một số địa phương còn cao hơn lúa hạt dài (chất lượng cao). 

Cụ thể, tại Tiền Giang, lúa IR50404 tươi bán tại ruộng là 6.650 đồng/kg, trong khi loại hạt dài là 6.550 đồng/kg. Tương tự, giá bán hai loại gạo này tại tỉnh Đồng Tháp tương ứng là 6.650 đồng/kg và 6.550 đồng/kg; còn ở TP.Cần Thơ là 6.650 đồng/kg và 6.450 đồng/kg - cao hơn 200 đồng/kg; tại tỉnh An Giang, giá lúa thường cũng cao hơn hạt dài 100 đồng/kg.

Có nên giảm diện tích lúa?

Trên thực tế, mấy năm gần đây, dựa trên lợi thế của từng ngành hàng, Bộ NNPTNT đã có sự xoay trục linh hoạt trong cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL theo thứ tự ưu tiên: Thủy sản - trái cây - lúa gạo, thay vì lúa gạo - thủy sản - trái cây như trước đây.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao, thúc đẩy giá lúa gạo trong nước lập kỷ lục mới, giúp nông dân thu lợi nhuận, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, khu vực này nên giảm diện tích đất trồng lúa ở những nơi chịu nhiều tác động bởi hạn mặn.

Nói về quá trình xoay trục này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, điều này là hoàn toàn hợp lý dựa trên những lợi thế đã được khẳng định ở ĐBSCL. Tuy nhiên, dù thế nào, cây lúa vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng với người dân đồng bằng, không bao giờ bỏ được.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với vùng ĐBSCL lúa gạo vẫn là lợi thế, theo tính toán với năng suất khoảng 7 triệu tấn/ha, người dân có thể thu về từ 65-70 triệu đồng/ha, trong khi đó chi phí chỉ khoảng 16-17 triệu đồng/ha, tức có lời tới 70%, tương đương khoảng 50 triệu đồng/ha, là mức lợi nhuận cao nhất đối với ngành trồng lúa từ trước đến nay. 

Có được kết quả này là do chúng ta đã có quá trình dài đầu tư căn cơ cho hệ thống hạ tầng thủy lợi, các tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu mùa vụ, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu hay nói đúng hơn là phải "thuận thiên".

Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, dù có xoay trục thì lúa gạo vẫn chiếm vị trí vô cùng quan trọng và không thể thay thế ở khu vực ĐBSCL. 

Theo GS Xuân, có một điểm đặc biệt là, giống lúa ở Việt Nam rất ngắn ngày, không nước nào có được. Bình quân chỉ gieo trồng 3 tháng là chúng ta có một vụ lúa, trong khi giống gạo ngon nhất của Thái Lan bán với giá 1.000 USD/tấn chỉ làm được 1 vụ/năm. 

Nhờ đẩy mạnh các yếu tố kỹ thuật, cải tiến giống, chúng ta đã được sở hữu nhiều loại gạo ngon, cộng với quy trình canh tác an toàn, dùng phân bón hữu cơ vi sinh để tăng sức đề kháng của lúa, từ đó giảm thuốc bảo vệ thực vật giúp vị của hạt gạo ngon hơn rất nhiều.

"Việt Nam cũng đã có giống gạo ST24, ST25 ngon nhất, nhì thế giới và nhiều giống lúa có chất lượng cao, được thị trường các nước rất ưa chuộng. Một vài năm trở lại đây, giá lúa gạo của Việt Nam rất cao, đã tiệm cận mức giá của gạo Thái Lan chứng tỏ vị thế của hạt gạo Việt đã rất khác" - GS Võ Tòng Xuân nói.

Tuy nhiên, theo GS Võ Tòng Xuân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thì việc phân vùng sản xuất cho vùng ĐBSCL dựa trên những tác động của xâm nhập mặn phải được thực hiện nghiêm túc. 

Theo đó, vùng vành đai dọc biên giới Campuchia từ An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An với diện tích 1,2 triệu ha được quy hoạch trồng lúa với 3 vụ/năm do vùng này nước biển không vào tới được, trong khi nước ngọt không thiếu. 

Ở vùng giữa, thay vì trồng 3 vụ lúa nhiều nơi đã chuyển sang trồng cây ăn trái, hoặc mùa mưa trồng lúa còn mùa khô ưu tiên các cây màu ngắn ngày. Vùng ven biển, các mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, mô hình kết hợp lúa - tôm được triển khai hiệu quả.

Nên mềm dẻo trong việc sử dụng đất lúa là quan điểm của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh. "Lúa gạo là ngành hàng quan trọng vì phải gánh trên vai trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong khi diện tích đất sản xuất có xu hướng thu hẹp. Vừa qua, Bộ Chính trị đã có tổng kết và ra kết luận mới về đảm bảo 3,5 triệu ha lúa. Tôi cho rằng, việc sử dụng đất lúa phải áp dụng mềm dẻo, bởi với thế giới, vai trò của hạt gạo Việt rất quan trọng" -Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định. 

Nên giảm trồng lúa tại vùng nguy cơ hạn mặn

Theo PGS - TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, chỉ nên làm 1 vụ lúa ở vùng có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn hoặc bỏ cây lúa luôn, chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ở những khu vực khác, trồng lúa cho năng suất thấp thì làm lúa 2 vụ.

Khi phóng viên hỏi, hiện nay giá lúa cao kỷ lục, vậy việc giảm diện tích thời điểm này có phù hợp không, ông Tuấn nói: "Giá lúa tăng hiện vẫn chưa cao, nó chỉ là đỡ hơn những năm có giá thấp hơn. Hơn nữa, giá tăng ở vụ đông xuân sớm thôi, còn các vụ lúa khác thì chưa chắc vẫn giữ ở mức như hiện nay".

Chú trọng hơn thu nhập của người dân

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL: "Cần giảm diện tích trồng, không coi trọng sản lượng mà hãy chú trọng vào thu nhập của người dân. Trồng lúa vùng ven biển sẽ bị thiệt hại, vậy nên chuyển sang cây - con khác. Không nên chống mặn để duy trì sản lượng lúa gạo".

Ông Thiện cho rằng, không nên giữ diện tích lúa ở vùng ven biển, có nguy cơ bị thiệt hại khi nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Ngành chức năng các địa phương nên mạnh dạn chuyển đổi sản xuất cây trồng khác và mời gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

H.X (ghi)