Danh tướng Đinh Liệt sinh năm 1400 ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Theo gia phả dòng họ Đinh ở Thái Bình thì ông là hậu duệ của Nam Việt Vương Đinh Liễn (con trai Đinh Tiên Hoàng).
Lớn lên trong cảnh Giang Sơn bị quân Minh giày xéo, dân chúng cực khổ lầm than, Đinh Liệt sớm thể hiện là người có chí lớn. Ông cùng anh trai mình là Đinh Lễ tham gia nghĩa quân Lam Sơn và là một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai, trụ cột của nghĩa quân Lam Sơn.
Thuở ban đầu khi tham gia nghĩa quân Lam Sơn, Đinh Liệt sớm thể hiện sự thông minh, gan dạ nên được cử làm cận vệ cho chủ tướng Lê Lợi.
Năm 1424, quân Lam Sơn tiến xuống phía nam, nhanh chóng chiếm thành Trà Lân rồi tiến vào chuẩn bị vây đánh thành Nghệ An. Thế nhưng quân Minh phản công, Đinh Lễ được lệnh dẫn quân mai phục ở vùng đất hiểm Khả Lưu.
Hỗ trợ cho anh mình, Đinh Liệt đưa hơn 1.000 quân, bí mật luồn xuống Đỗ Gia (thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh) rồi vòng lên đánh tập hậu vào quân Minh.
Quân Minh đến Khả Lưu thì bị rơi vào ổ mai phục của Đinh Liệt khiến tiến thoái lưỡng nan. Đúng lúc ấy Đinh Liệt bất ngờ từ phía sau đánh đến khiến quân Minh đại bại.
Sau đó Đinh Liệt lập công lớn khi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh chiếm Tùng Lĩnh, Linh Cảm rồi chiếm toàn châu Trà Lân (thuộc Nghệ An). Đinh Liệt dẫn quân tiến đánh Nghệ An, quân Minh thua trận phải rút vào thành cố thủ.
Cuối năm 1427, Tổng binh Liễu Thăng thống lĩnh 10 vạn viện binh tiến đánh quân Lam Sơn. Đinh Liệt cùng các tướng mai phục ở Chi Lăng đánh bại quân Minh, khiến Liễu Thăng tử trận.
Suốt 10 năm theo nghĩa quân Lam Sơn, Đinh Liệt vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật. Đến khi quân Lam Sơn thắng thế, ông đều lập công lớn.
Sau khi lên ngôi Vua, Lê Lợi ban cho Đinh Liệt chức Thứ thủ (Phó chỉ huy) đội quân tinh nhuệ Thiết Đột. Khi Lê Lợi phong thưởng cho đội quân Thiết Đột vì những công lao to lớn thì trong 121 người được thưởng, Đinh Liệt được xem là lập công hạng nhất, được ban quốc tính, phong Trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thần, Vinh lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự.
Đến đời vua Lê Thái Tông, Chiêm Thành tiến đánh cướp phá vùng biên giới, Đinh Liệt dẫn quân đánh bại Chiêm Thành.
Năm 1444 dưới thời vua Lê Nhân Tông, ông bị vu oan, Thái hậu Nguyễn Thị Anh lúc này đang nhiếp chính sai giam cả nhà ông dưới hầm, suốt 4 năm sau mới được thả ra. Năm 1454, ông được phong hàm Thái bảo.
Năm 1459, Lạng Sơn vương Nghi Dân đang đêm cho quân bắc thang vào thành hại chết vua Lê Nhân Tông rồi tự lên ngôi vua.
Năm 1460, Đinh Liệt đang giữ chức Khai phủ nghi đồng tam ty Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu cùng với các tướng Nguyễn Xí, Lê Lăng, Lê Niệm lật đổ Nghi Dân, rồi đưa hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông.
Từ đây triều chính là Lê mới ổn định, Lê Thánh Tông thể hiện là một vị vua anh minh, đưa Đại Việt phát triển lên đến thịnh trị.
Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt trở thành lão tướng duy nhất còn lại trong triều, ông làm Tể tướng, gánh vác nhiều việc lớn cho Giang Sơn Xã Tắc.
Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn thống lĩnh 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Quân Chiêm gồm cả thủy binh, bộ binh, kỵ binh và tượng binh đánh úp châu Hóa. Phạm Văn Hiến không thể chống được, bèn cho cả quân và dân vào trong thành, rồi cấp báo về triều.
Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông chuẩn bị gấp tiến đánh Chiêm Thành. Đinh Liệt dù đã 70 tuổi vẫn làm Chinh Lỗ Tướng quân, chỉ huy đội quân tiên phong đánh bại quân Chiêm, tiến thẳng vào Chiêm Thành.
Quân Việt thắng lớn, vua Chiêm là Trà Toàn bị bắt.
Năm 1471, Đinh Liệt thắng trận về đến nhà thì bệnh nặng và mất, được truy phong là Trung Mục vương. Vua Lê Thánh Tông cũng ban tặng cho ông 8 chữ vàng: “Tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ.”
Đánh giá về ông, sử gia Phan Huy Chú viết rằng: “Ông là người có công to khi mới mở nước, trải thờ bốn triều. Lại là công thần bậc nhất buổi Trung hưng: chức vị và đức vọng cao chót vót. Từ năm Quang Thuận trở đi làm thủ tướng gần 10 năm, quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn. Vua rất tin cậy, trong triều ngoài nội đều tôn trọng.”
Con cháu Đinh Liệt suốt 7 đời sau này đều làm võ tướng trụ cột, vì thế người xưa khen dòng họ Đinh Liệt là “hổ phụ sinh hổ tử”.