Sau một thời gian trầm lắng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá sắn ở nhiều địa phương tăng vọt, giúp nông dân thu lãi khá.
Đơn cử như tại Gia Lai, vụ sắn này, tuy năng suất, sản lượng bị giảm khoảng 30% nhưng giá lại tăng tới 150% giúp người trồng sắn lãi từ 20-40 triệu đồng/ha.
Được biết, từ đầu năm đến nay, giá sắn nguyên liệu luôn ở mức cao, riêng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai thu mua sắn của dân với giá 3.100 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Sắn được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 13.000ha, tập trung ở vùng Đông, Đông Nam của tỉnh.
Giá sắn vụ này tăng cao nhưng nhiều nông dân không được hưởng lợi do sắn bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.
Theo thống kê, niên vụ 2020-2021, vùng nguyên liệu sắn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi bệnh khảm lá, mưa bão khiến năng suất sắn kém, sản lượng giảm sâu.
Tuy nhiên, trong 10 ngày giữa tháng 3/2021, giá tinh bột sắn thành phẩm xuất khẩu có xu hướng giảm do Trung Quốc giảm mua. Giá sắn nội vùng khu vực miền Trung, Tây Nguyên tuy giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao so với nhiều năm trước.
Tại Tây Ninh, giá sắn nguyên liệu dao động trong khoảng 3.350 – 3.500 đồng/kg.
2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 690.370 tấn, trị giá 253,98 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 76,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Yên Bái, một vài năm trở lại đây, diện tích sắn cũng có xu hướng giảm nhẹ do giá cả bấp bênh.
Được biết, thời kỳ "hoàng kim" tỉnh Yên Bái có đến 15.000 ha sắn. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm diện tích sắn của Yên Bái giảm khoảng 1.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái, sản lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2020 của tỉnh đạt khoảng 7.200 tấn, với trị giá gần 3 triệu USD.
Sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu ổn định diện tích sắn ở mức 8.700 ha, sản lượng 171.000 tấn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 218.770 tấn, trị giá 79,87 triệu USD, giảm giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 13% về trị giá so với tháng 2/2020.
Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 365,1 USD/tấn. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 690.370 tấn, trị giá 253,98 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 76,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam.
Trong tháng 2/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm tới 96% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 210.080 tấn, trị giá 75,88 triệu USD, so với tháng 2/2020 tăng 3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 662.310 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 241,93 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và tăng 86% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá sắn lát khô của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 270 USD/tấn FOB Quy Nhơn. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá khoảng 520 - 550 USD/tấn FOB TP HCM do giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Là cây trồng phù hợp với sinh kế dành cho nông dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, trong một hội nghị bàn giải pháp phát triển cây sắn bền vững, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, các địa phương cần quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn; tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống sắn mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định.