Vụ thanh niên bị "chôn sống": Người cha thừa nhận mình bất lực vì con quá hư hỏng.
Mới đây, ngày 29/3, Công an TP Vinh (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đã ra quyết định tạm giữ hình sự với 13 đối tượng liên quan đến vụ nam thanh niên bị "chôn sống" gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Anh Nguyễn Văn H. (bố nạn nhân, trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, anh rất đau lòng khi sự việc đã đi đến bước này.
Do con trai mình quá hư hỏng, hai vợ chồng đã dùng nhiều cách khuyên can, dạy bảo con song bất thành.
Vì quá bất lực nên mới đây, anh H. có nhờ một người cháu có biện pháp răn đe để V. sợ mà ngoan hơn.
"Gia đình bất lực rồi, không còn cách nào khác nên nhờ cháu dạy con. Nhưng không ngờ lại có chuyện như vậy, chắc ai đó chơi xấu nên quay clip đăng lên mạng.
Gia đình tôi có nhờ cậy người khác dạy con cũng chỉ nhằm mục đích đưa cháu đi vào một quỹ đạo, nghe lời cha mẹ. Không ngờ sự việc đi quá xa khiến nhiều người hiểu nhầm", anh H. nói.
Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, kể cả trường hợp cha mẹ của nạn nhân nhờ nhóm đối tượng này “chôn sống” con mình để giáo dục thì hành vi vẫn là vi phạm pháp luật và cha mẹ có thể bị xử lý hình sự.
"Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái. Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con cái, của trẻ em.
Bởi vậy pháp luật không cho phép cha mẹ giáo dục con cái bằng bạo lực vì bất cứ lý do gì.
Trong trường hợp cha mẹ trực tiếp đánh đập, hành hạ con cái cũng là hành vi vi phạm pháp luật nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người đánh đàn đập, hành hạ sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ con theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015", ông Cường nói.
Theo vị luật sư, thực tế thời gian gần đây nhiều trường hợp ông bố bà mẹ đã bị xử lý hình sự về tội hành hạ con mình.
Còn trường hợp cha mẹ thuê, nhờ người khác đánh đập, dọa nạt con mình để giáo dục thì pháp luật cũng không cho phép hành vi như vậy.
"Trường hợp thuê người khác gây thương tích thì cả người đi thuê và người được thuê đều bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ thỏa thuận giữa bố mẹ nạn nhân đối với nhóm đối tượng này có nội dung như thế nào.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bố mẹ của nạn nhân đã thỏa thuận, cho phép nhóm đối tượng “chôn sống” con mình thì cha mẹ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm pháp lý.
Trong trường hợp xử lý cả cha mẹ của nạn nhân, cơ quan tố tụng sẽ tính đến dấu hiệu của tội hành hạ con theo quy định tại điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015", vị luật sư phân tích.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: “Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo ông Cường, trong trường hợp xử lý hình sự kể cha mẹ nạn nhân theo điều 185 thì các đối tượng đã thực hiện hành vi “chôn sống” nạn nhân này sẽ bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý về tội ngược đãi hành hạ con thì nhóm đối tượng “chôn sống” nam thanh niên này cũng vẫn sẽ bị xem xét xử lý về tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác, tội đe dọa giết người hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào thì sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.