Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn và trồng rau sạch của nông dân Trần Tiến Dũng (thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Nông dân Trần Tiến Dũng hiện đang sở hữu một cơ ngơi đáng nể. Ít ai biết, trước đây, gia đình anh Dũng là hộ cận nghèo ở xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa cho anh Dũng vay số tiền 50 triệu đồng, anh Dũng đã đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và thoát được cận nghèo.
Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo nhằm thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó hàng năm Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung nguồn vốn kịp thời về các ngân hàng địa phương để triển khai cho vay.
Trong thời gian ngắn, anh Dũng đã trả hết nợ vay cũ và mạnh dạn vay vốn sang chương trình hộ mới thoát nghèo số tiền 100 triệu đồng.
Có vốn, anh Dũng đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt, trồng rau sạch thủy canh. Đến nay, trong chuồng trại chăn nuôi của anh thường xuyên có 50 con lợn nái và lợn thịt. Anh trồng rau sạch thu hoạch đến đâu đều tiêu thụ hết.
Trang trại của anh Dũng hiện đang giải quyết được việc làm cho anh em trong gia đình, thu nhập bình quân của gia đình hàng năm sau khi trừ chi phí còn lại 100 triệu đồng. Trò chuyện với PV, anh Trần Tiến Dũng, chia sẻ: "Trước đây, trong tay không có tiền, không biết làm nghề gì để khá lên. Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa cho vay được 50 triệu, tôi liền đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản, nhờ đó thoát được cận nghèo, ổn định cuộc sống".
"Khi có vốn trong tay tôi mới mới mạnh dạn đầu tư. Nếu không có tiền vay từ ngân hàng, tôi không biết lấy tiền đâu ra để đầu tư làm ăn khi cứ trông vào mấy sào ruộng"- anh Dũng nói.
Nông dân Trương Văn Thành (thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng được vay vốn 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ thoát nghèo.
Anh Thành hiện đang đầu tư mua 2 xe tải kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh hàng tạp hóa. Thu nhập đem lại bình quân hàng năm của gia đình anh Thành đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Anh Thành, cho biết: "Có vốn vay trong tay, tôi liền mua 2 xe tải, vừa có việc để làm, lại đem về thu nhập cao. Hiện cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Tôi sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư thêm xe tải và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương".
Chương trình tín dụng thiết thực
Theo tìm hiểu của PV, chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, được triển khai thực hiện từ năm 2015.
Đến nay tổng dư nợ cho vay của chương trình tín dụng này trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt trên 130 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của chương trình bình quân là 25 tỷ đồng/năm, có 2.300 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Sau 5 năm thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo ở Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), đến nay là rất thiết thực. Chương trình tín dụng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước ta đến các đối tượng chính sách.
Kể từ khi chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo triển khai cho vay đến nay đã nhận được sự quan tâm phối hợp nhịp nhàng của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
"Để thực hiện có hiệu quả hơn chương trình tín dụng cho hộ mới thoát nghèo trong thời gian nên tiếp tục kéo dài giai đoạn thực hiện chương trình thêm và nên mở rộng đối tượng cho vay là những hộ mới thoát nghèo của 5 năm gần nhất thay cho 3 năm như hiện nay. Làm được như vậy sẽ góp phần hỗ trợ nguồn vốn cho các đối tượng thoát nghèo có nhu cầu tiếp cận thụ hưởng" - ông Thái Xuân Lộc - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đề xuất.