Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - bà Phan Thị Thắng, vừa có chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập khẩu và kinh doanh cá tầm.
Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP và UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị này cũng được yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm như nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại…
Cũng tại chỉ đạo này, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuận lợi trong việc kiểm tra.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan việc nhập khẩu cá tầm, ngày 30/3, Tổng cục Hải quan cho biết qua theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn thì thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với giấy phép do cơ quan quản lý Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.
Cơ quan chức năng xác định có một doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc nhưng kết quả giám định cho thấy cá tầm nhập khẩu không đúng chủng loại như khai hải quan. Đáng chú ý, dù đang trong thời gian chờ kết quả kiểm định, chưa được thông quan nhưng doanh nghiệp này đã tự ý đưa cá tầm đi tiêu thụ.
Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức cuộc họp với đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT về việc cá tầm nhập khẩu. Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đều thống nhất cá tầm ghi trong Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Phụ lục Cites theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ phải là cá tầm thuần chủng, không phải con lai; việc cấp giấy phép cũng chỉ áp dụng đối với loài cá tầm thuần chủng.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 khẳng định việc nhập khẩu các loài con lai (không chỉ riêng cá tầm) sẽ làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam, đôi khi có hại cho môi trường sống.