Dân Việt

Hà Nam: Đồng ruộng đâu đâu cũng rào bằng thứ ni lông trắng này để làm gì khiến nhiều người hiếu kỳ?

Phan Nga 03/04/2021 06:25 GMT+7
Cứ đến vụ sạ lúa, người dân xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) mang ni lông căng trắng đồng để chống chuột phá hoại.

Căng ni lông chống chuột phá hoại

Nạn chuột phá hoại lúa xưa nay vẫn là nỗi ám ảnh của nông dân tại nhiều địa phương. Với quyết tâm bảo vệ vụ mùa, người dân Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) có nhiều cách hay chống chuột phá lúa.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 1.

Người dân Thanh Nguyên căng túi bóng để chống chuột.

Vừa đắp đất để nén chặt lớp ni lông, chị Lê Thị Trâm (thôn Mai Cầu, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vừa cận thận kiểm tra từng đoạn ni lông, nếu hở chỗ nào, chị sửa ngay chỗ đấy.

Chị Trâm bảo, ngày xưa chuột phá hoại nhiều, những năm trở lại đây người dân Thanh Nguyễn đã dùng túi ni lông, căng kín quanh ruộng, vây khắp mọi nơi để chống chuột vào cắn phá.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Trâm kiểm tra ký từng đoạn căng túi bóng.

"Như chú thấy đấy, chúng tôi đóng cọc, xong vây kín ni lông ngăn chuột vào ruộng, đặc biệt là khu vực sát bờ, sát mương nước. Cách làm này khá hiệu quả nên chúng tôi áp dụng thường xuyên.

Trước khi sạ lúa, người dân căng ni lông ngay để chuột không ăn lúa vừa gieo. Đến cuối vụm chúng tôi tháo ra và thu hoạch ngay, lúa không mất hạt nào", chị Trâm cho biết.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 3.

Việc căng ni lông được người dân đánh giá khá hiệu quả để chống chuột.

Theo chị Trâm, quan trọng nhất là giai đoạn sạ và lúa lên cây non.

"Thời gian này nếu không bảo vệ được cây lúa để chuột cắn là coi như bỏ. Ngày xưa chưa quây túi bóng, việc mất mùa là thường xuyên, nhưng nay đã đỡ đi nhiều", chị Trâm bộc bạch.

Thấy chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tấm (60 tuổi, đang làm ruộng ngay cạnh bên) nói: "Đầu tư túi bóng tốn công nhưng hiệu quả nên làng này, xã này làm hết. Mỗi kg túi bóng khoảng 50 nghìn đồng, nhà nào nhiều ruộng thì mua nhiều, ít mua ít. Đến vụ, người người, nhà nhà huy động con cái, anh em, bạn bè ra căng nhanh cho kịp".

Bà Trâm cho biết, HTX nông nghiệp cũng nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên việc chống chuột để đảm bảo vụ lúa có năng suất tốt nhất.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 4.

Theo số liệu từ UBND xã Thanh Nguyên, 100% diện tích lúa trên địa bàn được căng túi bóng để chống chuột.

HTX nông nghiệp vào cuộc ngăn nạn chuột

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Nguyên cho biết, việc người dân căng túi ni lông chúng tôi khuyến khích nhưng phải đảm bảo môi trường. Đặc biệt, trên địa bàn xã Thanh Nguyên, HTX nông nghiệp đứng ra tổ chức các đợt diệt chuột cho bà con.

"Ngoài việc người dân quây ni lông, HTX nông nghiệp xã Thanh Nguyên chia ra nhiều lần trong năm để đánh chuột bằng bả, đặc biệt đánh liên tục vào gần vụ mùa. Khi tổ chức đánh bằng bả, chúng tôi loa tuyền thanh, tuyên truyền để người dân không cho gia súc, gia cầm ra gần khu vực đồng.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Nguyên trong buổi trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Sau khi người dân sạ xong, chúng tôi không đánh thuốc mà chuyển sang đánh thủ công, đánh bằng bẫy. HTX cũng khuyên khích bà con đánh chuột và chúng tôi mua lại với giá 4000 đồng/con. Cách này vừa khuyến khích bà con, vừa tiêu hủy chuột đúng quy định để đảm bảo môi trường", ông Thắng nói.

Theo vị lãnh đạo xã Thanh Nguyên, mỗi năm HTX thu của người dân khoảng 15.000 đồng trong đó có cả việc chăm sóc thú ý và đánh chuột.

Đến vụ lúa người dân mang ni lông ra căng trắng đồng, cuối mùa thu hoạch không thiếu hạt nào - Ảnh 6.

Những đoạn sát bờ và mương nước được người dân chú ý, quây kín ni lông

"Tính ra, việc đánh chuột khoảng 4000 đồng/sào nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Hơn 400 ha trồng lúa trên địa bàn xã đều được căng, phủ nilon và đánh chuột hiệu quả".