Thời điểm tôi rời Nhà hát Kịch Hà Nội vào năm 2003, sang làm chủ nhiệm Khoa Sân khấu – Điện ảnh của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thì rất bận bịu. Tuy nhiên, thời gian ấy tôi vẫn tham gia nhiều phim. Có lẽ, vì lúc đó tôi mới ngoài 50 tuổi, còn trẻ và sung sức nên làm việc không biết mệt mỏi.
Mãi đến năm 2014, tôi mới được nghỉ hưu nhưng vẫn được trường tiếp tục mời giảng dạy. Phim truyền hình thời điểm này cũng có nhiều thay đổi đáng kể nên sản xuất liên tục và họ cũng cần những gương mặt phù hợp cho các vai diễn.
Tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng vì công việc giảng dạy chưa dứt hẳn nên chỉ đóng được những vai vừa vừa, không thể đi biền biệt được. Biết rõ điều đó nên nhiều đạo diễn chỉ mời những vai điểm xuyết thôi.
Trước kia, tôi làm vai chính rất nhiều. Hơn 40 năm tham gia nghệ thuật, từ sân khấu cho đến truyền hình, tôi đảm qua rất nhiều dạng vai. Tôi xuất hiện trên truyền hình từ năm 1976. Thời đó, chúng tôi làm các kịch và phim ngắn cho truyền hình. Đến giờ phút này, không biết là bao nhiêu phim và bao nhiêu vai mình đã đóng.
Tôi nghĩ, mỗi người nghệ sĩ có một cái duyên. Người nào được đạo diễn yêu quý và tin tưởng thì họ sẽ mời mãi cho đến khi không thể đóng được nữa thì thôi. Bây giờ tôi chủ yếu đóng tuyến phụ nhưng đến một lúc nào đó lại được mời đóng vai chính, điều đó không sao cả.
Tôi không ngại vai ít hay vai nhiều, vai chính hay vai phụ. Từ xưa, một chuyên gia người Nga đã nói: "Không có nhân vật nhỏ chỉ có người diễn viên nhỏ thôi". Cho nên dù là vai ngắn nhưng nếu ấn tượng, khai thác đúng, thể hiện tốt thì người ta vẫn nhớ.
Thực ra, sở trường của tôi không phải là những vai tiêu cực, phản diện, hầm hố, xã hội đen… Khi ở Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi từng đoạt Huy chương Vàng cho một vai chiến sĩ, một nhân vật rất tình cảm. Ngoài ra, tôi từng đóng vai Giáo sư Thuận – một ông rất yêu vợ, thương con và yêu nghề nghiệp cho đến chết. Những dạng vai đó mới là vai tôi yêu thích.
Tuy nhiên, một lần, khi tôi cạo trọc đầu để vào vai trong vở kịch báo cáo tốt nghiệp ngành Đạo diễn của chính mình thì sau đó các đạo diễn toàn mời tôi các vai phản diện. Đóng phản diện một lần rồi cứ thế "ăn" mãi. Còn bản thân tôi vẫn luôn thích những nhân vật có số phận, có chiều sâu tâm lý, điềm đạm, trìu mến, dễ thương… Những vai diễn có số phận ấy chắc chắn tôi sẽ làm rất tốt hơn vai phản diện nhiều. Chỉ tiếc là đến nay vẫn chưa có cơ hội vì chưa được mời.
Vai ông bố trong "Sống chung với mẹ chồng" chỉ là vai râu ria, sống bên ngoài người vợ, không dám nói lên chính kiến thật của mình. Đó chưa phải là vai sở trường của tôi. Vai ông bố trong "Tình yêu và tham vọng" thì lại đầy thủ đoạn. Đó cũng chưa phải là vai tôi thật sự thích.
Sắp tới đây, mọi người xem "Hồ sơ cá sấu" sẽ thấy một chút bóng dáng của tôi trong đó. Nhân vật ông Phương trong phim này xuất hiện ít thôi nhưng đó là vai sở trường của tôi. Nó phảng phất những nhân vật tôi từng đóng, phảng phất những tính cách nhân vật mà tôi rất thích.
Đó là một ông Thứ trưởng nhưng chỉ vì lỗi lầm mà buộc lòng phải đẩy người vợ của mình đi xa. Người vợ ấy có một đứa con với ông ấy mà ông không biết. Về sau, khi biết sự thật rồi, ông ấy tự vấn lương tâm và cuối cùng quyết định lộ sáng để hy sinh cho đứa con. Ông ấy chấp nhận mất chức để chuộc lỗi với đứa con mà bao nhiêu năm ông ấy không hề biết. Đây là một vai mà tôi rất thích dù xuất hiện không nhiều?
Tôi nhận lời vì quý mến đạo diễn của đoàn phim. Thực ra, đều vì công việc cả, họ yêu quý mình họ mới mời. Khi họ mời tôi thì phim đã chiếu rồi. Một hôm, có một cháu bên tổ sản xuất, từng gọi mời tôi đóng phim "Nhà trọ Balanha" gọi điện bảo "Xin lỗi chú vì bây giờ mới gọi điện mời chú…".
Nếu là người hay tự ái, người ta sẽ bảo "Sao không mời ngay từ đầu, bây giờ mời làm gì. Chẳng qua, ông nào bỏ vai thì mới mời tôi thay thế chứ gì?". Nhưng tôi thì không xem đó là chuyện lớn, cứ được mời và cảm thấy phù hợp thì "gật đầu" thôi.
Thời điểm đó, tôi nhận một vai trong phim "Hồ sơ cá sấu" nữa. Vai này lúc đầu là của NSND Hoàng Dũng nhưng vì anh Dũng bị ốm nặng, không thể đảm đương được nên đoàn phim nhờ đến tôi dù trước đó anh Dũng đã quay được một số cảnh. Lúc gọi điện mời, đoàn phim trình bày rất chân tình và vì như thế nên tôi nhận lời tham gia ngay
Nhưng có một sự cố đó là khi trên đường đi lên cầu Thăng Long để quay vào dịp sát tết năm ngoái thì bị tai nạn suýt chết, xe ô tô bẹp dúm… Tôi đang đi thì có một xe tông vào từ phía sau khiến xe của tôi lao lên, đâm vào người phía trước. May là hôm đó tôi không bị thương, chỉ có xe là hư hại nặng thôi. Hôm đó, vai của tôi chỉ quay cảnh chứng kiến hai bà vợ đánh ghen thôi nhưng đã có lịch rồi nên vẫn phải đi làm.
Sau vụ tai nạn suýt chết, lúc về nhà, gia đình có ngăn cản ông tiếp tục đóng phim?
Không, chẳng ai nói gì cả vì mọi người hiểu đó là chuyện ngoài ý muốn. Ai đi trên đường mà không có lúc nọ, lúc kia. May là hôm đó đã sát tết nhưng vẫn kịp sửa lại được cái xe để đi lại trong những ngày tết.
Hôm đó, khi xảy ra tai nạn, tôi phải gọi điện báo ngay cho đoàn làm phim. Thành viên đoàn phim hoảng hốt phi lên chỗ tôi bị tai nạn và sau đó phải cho cả đoàn nghỉ, ăn tết xong mới quay tiếp.
(Còn tiếp)