Ca sĩ Hoàng Oanh từng là "nàng thơ" của nhạc sĩ Văn Cao?
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng. Những bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đã đi cùng những năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hòa bình.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam sẽ còn mãi nhắc tên nhạc sĩ Văn Cao, không chỉ vì ông là người sáng tác ca khúc Tiến quân ca mà còn vì những cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật nước nhà ở 3 lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thơ ca.
Nhạc sĩ Văn Cao viết những bản tình ca đầu tiên từ cuối thập niên 30, khi nền tân nhạc Việt Nam còn đang giai đoạn hình thành. Những ca khúc mang đậm không khí thi ca cổ phương Đông kết hợp nét nhạc cổ điển phương Tây trở thành những tác phẩm kinh điển của của dòng âm nhạc lãng mạn như: Buồn tàn thu, Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi…
Những năm tháng kháng chiến giành độc lập cho đất nước chắp cánh thêm cho tài năng sáng tạo của Văn Cao với những bản hùng ca về những chiến công oanh liệt như: Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội…
Xen lẫn những ca khúc dịu dàng, đẹp đẽ về một tương lai tươi sáng cho quê hương đất nước như: Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên… Văn Cao là con người mà dường như cả cuộc đời chỉ tận hiến cho nghệ thuật, gửi gắm tất cả tâm sự, chia sẻ câu chuyện đời ông vào từng tác phẩm.
Trong chương trình "Chân dung cuộc tình", danh ca Thái Châu đã có nhiều tâm sự về nhạc sĩ tài hoa Văn Cao: "Tôi xin gọi Văn Cao bằng bố. Ông cũng là huynh đệ của bố Phạm Duy. Ca sĩ thời của tôi chạm tới và hát được những tác phẩm giá trị của Văn Cao cũng rất khó.
Tôi biết đến nhạc của Văn Cao vào giữa thập niên 60, tôi thích ca từ, dòng nhạc lãng đãng, du dương và được diễm phúc hát bài "Đàn chim Việt". Tôi chuyên hát nhạc tình, nức nở, lãng mạn, khi hát đến "Đàn chim Việt" tôi hát kiểu khoan thai, trong sáng, mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước. Những bài hát của bố Văn Cao tuyệt vời vì ông sống với một tâm hồn lạc quan, con tim ông hướng đến con người, tình yêu quê hương đất nước".
MC Minh Đức cũng thổ lộ, đến hiện tại anh vẫn còn giữ cuốn băng tập hợp những ca khúc của Văn Cao do công ty thu in băng Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng phát hành, có ca khúc Đàn chim Việt.
Ca khúc là phiên bản khác của Bến xuân, được thay đổi nhiều đoạn cho phù hợp với thời cuộc, mang một tinh thần khác mạnh mẽ hơn. Trong Bến xuân có một nàng thơ, sang Đàn chim Việt vẫn xuất hiện hình ảnh giai nhân đó qua câu hát "Ai tha hương nghe réo rắt tiếng Oanh ca".
Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng. Cô đến thăm nhạc sĩ Văn Cao một lần nhưng để lại sự thương nhớ, mối tình đơn phương của người nhạc sĩ. Sau này, Hoàng Oanh lên xe hoa, trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý, tác giả của ca khúc Cô láng giềng bất hủ.
Hình ảnh Đàn chim Việt như tâm hồn của chính nhạc sĩ Văn Cao sải cánh bay trên bầu trời âm nhạc Việt Nam hát vang những giai điệu muôn màu lúc phiêu lãng réo rắt trong cõi mơ, lúc êm đềm nhẹ nhàng trong lao động sinh hoạt truyền thống, khi hùng tráng trong đoàn quân chiến thắng mải miết đi mãi cho lý tưởng giải phóng, bảo vệ và xây dựng quê hương.
Ánh Tuyết như "rụng rời" khi nghe nhạc sĩ Văn Cao nói một câu
Ca sĩ Ánh Tuyết là một trong những giọng hát gắn bó với các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao. Nữ ca sĩ đã có cơ hội thể hiện những bài hát quen thuộc và ôn lại kỷ niệm về người nhạc sĩ này trong chương trình.
Ánh Tuyết nhớ lại, chị từng chuyển vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1990, làm việc tại Đoàn Ca nhạc nhẹ tháng Tám nhưng cuối năm lại tách ra riêng. Thời điểm 1993, Ánh Tuyết có ý định bỏ nghề vì cảm thấy mọi thứ bế tắc. Tuy nhiên, tháng 7/1993, chị trở lại Sài Gòn đúng dịp vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao vào để dự đêm nhạc của ông ở quán Nhạc sĩ. Và định mệnh đã khiến chị quay ngược 180 độ cho đến tận bây giờ.
Nữ ca sĩ gốc Quảng Nam kể, sau đêm diễn, nhạc sĩ Văn Cao dành rất nhiều nhận xét trìu mến, cảm phục dành cho chị. Ông ví chị như người thấu hiểu những tác phẩm của ông và trình diễn nó theo cách mà ông hài lòng nhất.
Ánh Tuyết xúc động kể: "Tôi từng nghe nhạc Văn Cao từ bé. Những ca khúc như: Làng tôi, Trương Chi, Buồn tàn thu... Mãi sau này, khi gặp ông ở Sài Gòn, tôi hơi bất ngờ bởi nhìn ông còn già hơn tuổi thực tại của ông lúc đó. Ông gầy gò, nhỏ thó, có một cái gì rất là đặc biệt, khác biệt với mọi người.
Nhắc đến đêm nhạc đó là nhắc đến những điều đặc biệt tôi không bao giờ quên. Có thể xem đó như một định mệnh, một bước ngoặt… lôi Ánh Tuyết trở lại với con đường nghệ thuật. Trước đó một tháng thôi, tôi đã định bỏ nghiệp hát vì cảm thấy bế tắc. Nhưng đêm nhạc của Văn Cao đã khiến tôi xoay ngược 180 độ.
Ca sĩ Ánh Tuyết kể về những lần gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao.
Đêm hôm đó, tôi chỉ lo tròn nhiệm vụ của mình là hát bài Buồn tàn thu và Thiên thai. Bài Thiên thai vì tôi chưa thuộc nên rất hồi hộp, hát xong nhìn xuống sân khấu, chỉ có một vài khán giả lẹt đẹt vỗ tay. Nhưng đến khi cất giọng hát "Ai lướt đi ngoài sương gió" của bài Buồn tàn thu lên thì nhìn xuống phía dưới thấy mọi người giãn cơ mặt hẳn ra, kiểu như "Ôi đây rồi", giống như cái gì vỡ ra. Kết thúc bài hát, khán giả vỗ tay mà nức lòng luôn.
Tôi nhớ mãi, tối hôm đó, khi nhạc sĩ Văn Cao đi về, tôi rất khao khát được nghe ông nói điều gì đó. Khán giả đã vỗ tay và bày tỏ tình cảm rất nhiều nên tôi cũng muốn nghe đôi lời của tác giả. Nhưng ông im thin thít, lưng còng chậm rãi bước xuống bậc tam cấp đi về. Lúc ông bước đi, tôi rất muốn chạy tới dìu ông xuống để xem ông có nói gì không.
Mãi một năm sau, người ta tổ chức đêm nhạc khác của Văn Cao - Trịnh Công Sơn tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Sáng hôm sau, tôi đánh liều đến thăm ông nhưng đến ngồi hoài mà nhạc sĩ Văn Cao vẫn chỉ ngồi nhấp rượu không nói gì. Lâu thật lâu, ông mới cười nhẹ rồi cất lời: "Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết".
Đó là một câu khen thưởng lớn đối với một người nghệ sĩ. Tôi liền khẽ nói với ông "Ánh Tuyết nhưng mà mới Ánh thôi chứ Tuyết rồi cũng có thể sẽ tan". Nghe tôi nói, ông cười khẩy bảo "Con bé này cũng biết nói nhỉ?". Đó là cuộc trò chuyện và đối thoại đầu tiên của tôi với nhạc sĩ".
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng xúc động kể về lần gặp mặt thứ hai với nhạc sĩ Văn Cao khi chị có dịp ra Hà Nội năm 1994. Ánh Tuyết đến thăm nhà nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu, qua đó tìm hiểu về nội dung và ý nghĩa của bài hát Trương Chi.
Ca khúc "Thiên Thai" do ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện.
Theo Ánh Tuyết, hôm đó nhạc sĩ Văn Cao cứ nhìn ra cửa sổ với ánh mắt xa xăm. Mãi 3 tiếng sau nhạc sĩ mới thổ lộ rằng nhân vật Trương Chi trong bài hát này cũng chính là thân phận của ông. Chỉ một câu nói của ông: "Trương Chi chính là tôi đấy", nữ ca sĩ như hiểu được toàn bộ con người ông. Chị thấm nỗi đời, nỗi đau… mà ông trĩu nặng trong lòng.
"Tôi rời môi trường âm nhạc khá lâu nhưng chỉ cần nhắc đến Văn Cao, chỉ cần cất lên giai điệu thì tự nhiên trong tôi điều gì đó tuôn trào, âm nhạc của ông như quyện quánh vào tâm hồn. Âm nhạc của Văn Cao như đẩy tôi bay, ở cõi nào đó rất cao, khi nhắc đến ông chỉ có hai hình ảnh, dáng dáp con người, những câu nói, cách nói chuyện làm cho tôi không thể nào quên được. Tôi yêu quý và trân trọng ông vô cùng", Ánh Tuyết thổ lộ.
Trong chương trình, khán giả còn có dịp thưởng thức lại những bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao như: Bến xuân, Suối mơ, Trương Chi. Thiên thai, Mùa xuân đầu tiên với giọng hát điêu luyện của Hồng Gấm, Triệu Lộc, Đăng Nguyên, Hồng Mơ, Ngọc Liên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.