Dân Việt

Mất ruộng do thi công QL1, nông dân Bình Định chưa được Bộ GTVT bồi thường

Dũ Tuấn 01/04/2021 09:25 GMT+7
Ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, nhiều diện tích đất ruộng của nông dân thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) bị hư hỏng, phải bỏ hoang từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, các nông dân vẫn đang mỏi mòn chờ nhận tiền bồi thường.

Đất canh tác bị… "tàn phá"

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 10/2015, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Thế nhưng, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị chuyên môn chưa tính toán đầy đủ các vấn đề phát sinh, tác động môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Tại khu vực đất canh tác nằm ven Quốc lộ 1 (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã xuất hiện nhiều bất cập, xảy ra tình trạng ruộng đất của người dân hai bên đường đều bị sa bồi, thủy phá nặng nề, không thể tiếp tục canh tác.

“Mất đất” do Quốc lộ 1, hơn 1 nhiệm kỳ, nông dân Bình Định vẫn chưa nhận bồi thường(!) - Ảnh 1.

Đất ruộng của nông dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị sa bồi, thủy phá. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Hoài Nhơn Phạm Văn Chung, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn đoạn Km 1125  - 1153, theo hình thức hợp đồng BOT, đoạn tuyến tránh qua các khu vực Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc, Tam Quan nằm trên vùng ruộng chuyên sản xuất lúa của người dân nhưng không thiết kế giao mốc, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng phạm vi ảnh hưởng phía thượng, hạ lưu các cầu.

Vào các đợt mưa lũ từ năm 2016 đến nay, một phần diện tích đất chuyên trồng lúa, hoa màu tại thượng hạ lưu các cầu Gia Hựu, Quy Thuận, Gia An và các cống (Hoài Châu Bắc), cầu Thạnh Mỹ (Tam Quan)… bị sa bồi thủy phá nghiêm trọng, không thể khắc phục để tiếp tục sản xuất.

Trong khi đó, một số diện tích tuy đã khắc phục đưa vào sản xuất nhưng nằm trong dòng chảy cầu cống, về lâu dài sẽ tiếp tục bị sa bồi thủy phá, rất khó khăn trong sản xuất ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

"Qua kiểm tra hiện trường, có 35 thửa đất với tổng diện tích 14.881,10m2 loại đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác bị ảnh hưởng do sa bồi thủy phá. Chúng tôi đã thống kê và kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm, để giải quyết cho người dân", ông Văn Chung cho hay.

“Mất đất” do Quốc lộ 1, hơn 1 nhiệm kỳ, nông dân Bình Định vẫn chưa nhận bồi thường(!) - Ảnh 2.

Hơn 11.000 m2 đất của nông dân thị xã Hoài Nhơn "biến" thành ao, trộn lẫn đá... không thể sản xuất. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chờ đến bao giờ?

Ngày 4/2/2020, UBND tỉnh Bình Định có Văn bản số 579/UBND-KT đề nghị Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ để thu hồi diện tích đất bị sa bồi thủy phá tại thượng, hạ lưu các công trình thoát nước thuộc dự án Mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km1125 – 1153.

Ngày 26/3/2020, Bộ GTVT đã có Văn bản số 2832/BGTVT-CQLXD giao Tổng cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Nhà đầu tư BOT, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường để báo cáo đề xuất Bộ GTVT.

Ngày 8/7/2020, Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định đã tổ chức mời Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Cục QLĐB III dự họp), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tư vấn thiết kế, UBND thị xã Hoài Nhơn và các Sở, ngành liên quan của tỉnh kiểm tra thực tế hiện trường, thống nhất với kiến nghị, diện tích đất bị sa bồi thủy phá không canh tác được đề nghị phải thu hồi là 14.881,10 m2 (loại đất trồng lúa và trồng cây hàng năm).

Vụ việc chưa có câu trả lời thỏa đáng, tiếp tục tháng 2/ 2021, lần thứ 2 UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT xem xét hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ thu hồi diện tích đất ruộng bị sa bồi thủy phá, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

“Mất đất” do Quốc lộ 1, hơn 1 nhiệm kỳ, nông dân Bình Định vẫn chưa nhận bồi thường(!) - Ảnh 3.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hỗ trợ kinh phí cho UBND thị xã Hoài Nhơn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi diện tích đất ruộng bị sa bồi thủy phá với tổng kinh phí là 5.671.141.000 đồng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Định, đã xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2015, phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng của tỉnh Bình Định nói riêng và các khu vực, địa phương lân cận nói chung.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định đã phát sinh các vấn đề về tác động môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, tại khu vực thượng, hạ lưu các công trình thoát nước (phạm vi tuyến tránh đoạn qua thị xã Hoài Nhơn), phần lớn diện tích đất ruộng bị sa bồi thủy phá nặng nề.

UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư BOT, kiến nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết.

Ông Công Hoàng cho biết, vụ việc đã gây khó khăn trong việc ổn định cuộc sống của người dân và gây ra việc khiếu nại kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài ra, cử tri thị xã Hoài Nhơn đã nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ để thu hồi diện tích đất bị sa bồi thủy phá thượng, hạ lưu các cầu, cống thuộc công trình Mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km1125 -1153 (thị xã Hoài Nhơn).

Áp dụng theo các quy định hiện hành, giá trị tính toán bồi, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại là hơn 5,6 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện người dân được ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ kinh phí với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng cho UBND thị xã Hoài Nhơn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi diện tích đất ruộng bị sa bồi thủy phá.

Tuy nhiên, đến nay các nông dân bị ảnh hưởng rất bức xúc, bởi sau nhiều năm chờ đợi mòn mỏi thì họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

"Chúng tôi mong muốn được giải quyết sớm, để ổn định cuộc sống người dân", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) Phạm Văn Chung nói.