Theo thông báo, 7h sáng nay (1/4), trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã mở công đăng ký thi đánh giá năng lực 2021.
Hướng dẫn đăng ký thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội 2021: Thí sinh truy cập khaothi.vnu.edu.vn, chọn "Đăng ký" ở trang chủ (hình khoanh đỏ - theo ảnh bên dưới). Nếu đã đăng ký tài khoản thì chọn "Đăng nhập" bên cạnh để thực hiện các thao tác tiếp theo.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân Việt, sáng nay, sau khi cổng đăng ký thi đánh giá năng lực 2021 ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức được mở thì nhiều thí sinh than thở rằng không thể đăng ký được hoặc không vào được cổng để đăng ký.
Cập nhật từ fanpage của trường, do quá nhiều thí sinh, phụ huynh vào đọc thông tin, tham khảo, đăng ký cùng 1 thời điểm nên cổng thông tin khaothi.vnu.edu.vn bị nghẽn mạng.
Trường khuyến cáo, để việc đăng ký thi đánh giá năng lực 2021 ĐH Quốc gia Hà Nội nhanh nhất, các vị phụ huynh và thí sinh không nên nóng vội dồn việc đăng ký vào một đợt vì Trung tâm Khảo thí tổ chức thi nhiều đợt, nhiều ca và thời gian đăng ký còn dài.
Ngoài ra, theo chia sẻ của một số cựu sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội với Dân Việt, các thí sinh nên bình tĩnh đăng ký thi đánh giá năng lực 2021 ĐH Quốc gia Hà Nội vào những giờ thấp điểm như buổi trưa, sáng sớm để tránh tình huống quá nhiều người cùng truy cập một lúc, đồng thời, F5 liên tục trang web.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, để làm bài thi đánh giá năng lực đạt kết quả tốt nhất, thí sinh nên lưu ý:
"Đối với bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan, điều quan trọng là thí sinh phải kiểm soát thời gian làm bài thật tốt bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hiểu hướng dẫn từng phần, từng câu hỏi trước khi quyết định lựa chọn đáp án.
Với mỗi phần, thí sinh hãy tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn bằng cách làm bài thi tham khảo, sau đó các em có thể phân chia thời gian làm bài của từng phần theo số câu hỏi của phần đó để biết thời gian cần thiết phải hoàn thành tất cả các câu hỏi.
Nếu có thể, hãy tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để kịp xem lại toàn bộ các câu hỏi trong một phần, làm lại các câu hỏi thí sinh cảm thấy khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
Các bạn cũng lưu ý là đề thi không sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó mà bố cục theo lĩnh vực có tính liên ngành, một cố câu hỏi tích hợp các ngành. Nếu thí sinh gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm tiếp câu hỏi tiếp theo sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian.
Một lưu ý quan trọng là điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì thế thí sinh hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần. Nếu còn thời gian sau khi đã hoàn thành 1 phần, thí sinh đừng vội chuyển sang hợp phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời chưa thật sự chắc chắn trong phần đó. Thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đã hết.
Bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút), Khoa học (60 phút). Trước khi bắt đầu mỗi phần, thí sinh hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời. Ở phần định tính có các câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, thí sinh hãy đọc và xem xét tất cả các câu trả lời, vận dụng kiến thức, kỹ năng và tư duy theo hướng chọn đáp án cảm thấy phù hợp nhất với câu hỏi.
Ngược lại, các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên, thí sinh phải tìm câu trả lời chính xác. Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà cảm thấy đúng nhất. Nếu không tìm thấy đáp án như tính toán, hãy đọc lại câu hỏi và xem xét lại tất cả các đáp án.
Điều quan trọng, thí sinh phải hiểu chính xác câu hỏi đang hỏi điều gì. Một số câu hỏi đòi hỏi người dự thi phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng hay đáp án phù hợp nhất trong khi cũng có các câu hỏi dễ nhận ra đáp án thì cần phải làm nhanh.
Với các câu hỏi dễ, thí sinh hãy kết thúc nhanh để giành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Sau khi hoàn thành câu hỏi dễ, thí sinh hãy quay lại kiểm tra các câu hỏi khó trước khi chuyển sang làm phần tiếp theo.
Khi thí sinh trở lại với câu hỏi khó, hãy phát huy tư duy logic để loại bỏ những đáp án không đúng. Thí sinh so sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho thí sinh câu trả lời đúng. Thí sinh hãy loại bỏ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó chọn đáp án dựa trên những mối liên hệ giữa các câu trả lời và đầu bài".
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức với quy mô khoảng 10.000 thí sinh chia thành 6 đợt/năm, trong đó, đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8-9/5/2021 đến hết tháng 7/2021.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông sẽ gồm 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá khoa học (tự nhiên-xã hội) và ứng dụng công nghệ theo hướng cá thể hóa.
Bài thi gồm 150 câu hỏi, trong đó có 50 câu hỏi thuộc tư duy định lượng, 50 câu hỏi tư duy định tính, 50 câu hỏi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Thời lượng làm bài thi là 195 phút.
Trước đó, bài thi mẫu đánh giá năng lực chính thức của ĐH Quốc gia Hà Nội đã được trường công bố.