Chuyên gia Giáo dục chia sẻ chuyện con bị bắt nạt vì... không có bố
Chuyên gia giáo dục nổi tiếng chia sẻ chuyện con gái bị bạn bè bắt nạt chỉ vì... không có bố
Tào Nga
Thứ năm, ngày 01/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tình trạng bắt nạt học đường lâu nay vẫn luôn khiến nhiều nhà trường, phụ huynh phải đau đầu. Thậm chí, một chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh này.
Mới đây, câu chuyện về bé gái 13 tuổi tự tử nhưng gia đình không biết khiến ai nấy bàng hoàng. Theo đó, cách đây 1 tuần, N.T.N, ở Long An, chỉ vì áp lực học đường, bị bạn bè tẩy chay, cô lập nên nghĩ quẫn uống thuốc trừ sâu tự tử. Câu chuyện của N. đã dấy lên tình trạng bắt nạt học đường đang diễn ra đáng báo động hiện nay.
Dường như chỉ vì những vụ việc nhỏ cũng đủ khiến cho các em mâu thuẫn, kêu gọi bạn tẩy chay, cô lập, thậm chí bạo hành bạn. Lý do có thể là trêu tức nhau, nói đụng chạm, cùng thích bạn nào đó... hay đơn giản là nhìn thấy ngứa mắt thì ghét.
Con bị bắt nạt chỉ vì... không có bố
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng có con rơi vào trường hợp tương tự. Khi con gái của chị học lớp 3 đã bị bạn bắt nạt chỉ vì là con của 1 gia đình khuyết thiếu.
Chị Hương kể: "Do không hợp nhau nên mình và bố của Thư (con gái chị Hương - PV) đã quyết định ly hôn. Hai mẹ con tách nhau ra ở riêng khi Thư vào học lớp 2.
Khỏi phải nói, sự kỳ thị, coi thường của mọi người chĩa vào mình thế nào. Mình mặc kệ thôi vì đầy đủ hay khuyết thiếu không phải do mình xấu xa, kém cỏi. Đó chỉ là sự lựa chọn. Mình hạnh phúc được là single mom, nuôi dưỡng, tình cảm bên con và hai mẹ con vui từng giờ với nhau.
Thế nhưng, con gái mình thì lại bị bạn bắt nạt ở trường. Thư học giỏi cũng là lý do để bạn xỏ xiên. Thư mặc kiểu gì cũng là nguyên nhân của những trận cười. Và thậm chí, con tham dự cuộc thi gì của nhà trường cũng sẽ có 1 đội antifan đi theo phá phách, cười đùa", chị Hương kể lại.
Thấy con ức chế, chị Hương đã ra sức giúp con dù không ra mặt. Tuy nhiên, việc xảy ra trên lớp hàng ngày khiến Thư không thể chịu nổi và chị Hương đã viết thư gửi cho mẹ của bạn con. "Nhưng câu trả lời của người mẹ kia là chê bai Thư không ăn chơi như con họ. Rồi họ bảo mình dạy lại con và chốt: Gia đình không có bố nên thế".
Chị Hương lập tức gửi lại mail: "Con chị gây chuyện với con tôi, có cô giáo chủ nhiệm khẳng định điều này. Nếu chị không xử lý vấn đề, tôi sẽ làm đến cùng để cho chị biết 1 singlemom sẽ làm gì khi con cô bị bắt nạt. Tôi sẽ có thể cân nhắc đến việc kiện lên trường và hạnh kiểm con chị, tương lai con chị sẽ phải chịu ảnh hưởng".
Đồng thời chị Hương cũng khẳng định: "Tôi là singlemom nhưng chị chắc là tôi không hạnh phúc và an toàn bằng chị sao? Tôi đã báo với bố Thư câu chuyện này và anh khẳng định sẽ bảo vệ 2 mẹ con. Chúng tôi chia tay nhau vì lựa chọn sống như vậy chứ không phải chúng tôi căm thù, ghét bỏ nhau, tìm cách hại nhau. Vì thế, tôi không đơn độc trong công cuộc nuôi con. Chồng cũ của tôi luôn khẳng định: Ai làm gì 2 mẹ con, nhớ báo anh biết. Anh sẽ bảo vệ 2 mẹ con đến cùng".
Làm gì khi con bị bắt nạt?
Khi con bị bắt nạt cần phải làm gì? - đây là câu hỏi của không ít các bậc phụ huynh.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, với các cha mẹ, chúng ta không thể giúp con mọi lúc mọi nơi và cũng không thể dạy con chịu đựng hay đánh lại. Thế nhưng, điều cha mẹ có thể làm và cũng là điều con mong đợi chính là sự sẻ chia và cổ vũ, động viên.
Cha mẹ nên động viên con tự xử lý vấn đề, chỉ nên đưa ra lời khuyên chứ không nên giải quyết hộ con. Sự can thiệp của người lớn chỉ phá hỏng thêm mối quan hệ đã quá căng thẳng của lũ trẻ.
Đối với cha mẹ có con bị bắt nạt, chị Hương cho biết: "Phương án mà chúng tôi hay tư vấn cho các cha mẹ là hướng con tạo thêm sức mạnh cho chính con. Các cha mẹ có thể cho con mang theo kẹo bánh để con kết bạn với những người bạn khác trong lớp. Thông thường, kẻ bắt nạt chỉ tìm các nạn nhân cô độc và yếu ớt. Nếu kẻ cô độc, yếu ớt đó đột nhiên có thêm nhiều bạn bè, nghĩa là có thêm sức mạnh thì kẻ bắt nạt sẽ lảng đi. Bạn bè xung quanh con chính là một phần sức mạnh của con.
Ngoài ra, cha mẹ nên tạo điều kiện để con tự nghĩ ra phương án giải quyết. Con tôi học lớp 4 đã bị bạn bắt nạt khi con đang làm tổ trưởng. Thay vì xử lý giúp con hay mách cô, tôi đã hướng cho con tự suy nghĩ và giải quyết. Con đã xin cô cho thôi chức tổ trưởng vì bị bạn trêu chọc nhiều quá. Cô giáo đã giải quyết rất tuyệt vời bằng cách cho bạn đầu têu trêu con làm tổ trưởng trong 1 tuần. Khi đó, tất cả các bạn đều sợ hãi và không dám bắt nạt con tôi nữa. Sau 1 tuần, cô trả chức lại cho con gái tôi.
Rõ ràng, khi để trẻ tự giải quyết, trẻ có thể sẽ tìm ra các phương án giải quyết rất hay mà không gây bất kể hậu quả gì.
Bên cạnh đó, khi con bị bạn bắt nạt, chúng ta không nên mắng con là đồ hèn, nhục nhã. Trẻ bị bắt nạt có thể sẽ có vài lý do không ổn do tính cách. Làm cha mẹ, ta hãy sửa chữa tính cách xấu cho con nhưng tuyệt đối không bao giờ được xúc phạm trẻ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.