Liên quan đến kế hoạch diệt chuột gần 30 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) của TP Cần Thơ gây xôn xao dư luận vừa qua, phóng viên Dân Việt đã đưa kế hoạch trên cho GS Võ Tòng Xuân xem.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc bắt chuột là bổn phận của nông dân, không phải của Nhà nước, hãy để người dân tự làm.
Theo đó, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong kế hoạch này, ngành chức năng TP Cần Thơ lo hết cho nông dân.
"Trong kế hoạch nêu, mua bẫy chuột cũng Nhà nước lo, mua thuốc chuột cũng Nhà nước lo luôn" - GS Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm: "Việc giữ cho lúa không bị chuột phá hại là bổn phận của nông dân, chứ không phải của Nhà nước. Do đó, hãy để người dân tự làm".
Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, chi phí diệt chuột nêu trong kế hoạch 5 năm ở TP Cần Thơ là "quá lớn", "khá tốn kém" nhưng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn.
Do đó, nếu cơ quan chức năng vào cuộc giúp dân thì có thể triển khai mô hình bẫy chuột cộng đồng, chi phí ít nhưng tạo điều kiện cho bà con chủ động bảo vệ ruộng lúa của mình.
"Kế hoạch diệt chuột của Cần Thơ thì có thể, trong giai đoạn đầu, làm thí nghiệm mô hình bẫy chuột cộng đồng của Austrailia mà Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đã công bố. Từ đó, coi cách dụ chuột vào bẫy có hiệu quả không, nếu thấy có kết quả thì Bộ NNPTNT nên phổ biến rộng rãi, còn không hiệu qủa thì thôi, không làm theo cách này" - GS Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân còn cho hay, biết rất nhiều nông dân có cách bắt chuột rất hay, mang lại hiệu quả khá cao.
Các cách làm này không những diệt được chuột phá hại cây trồng mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.
Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố chi, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Kinh phí gần 30 tỷ đồng trên dùng vào việc tập huấn nông dân diệt chuột. Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc.
Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142ha.
Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625kg thuốc sinh học.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch diệt chuột cũng cho biết, TP.Cần Thơ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo.
Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.
Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nông dân, UBND các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên.