Theo chia sẻ của nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc cho biết, thời gian nuôi chỉ từ 70 - 80 ngày là có thể thu hoạch, tôm ít bị dịch bệnh, đạt sản lượng cao.
Gia đình bà Đào Thị Vượn, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải (Thái Bình) là một trong những hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc
Bà Vượn cho biết, nhận thấy nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2019, gia đình bà đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích 2,2 mẫu nuôi cá sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Để nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc, bà Vượn đã cải tạo thành 2 ao nuôi tôm, mua trang thiết bị, nguyên vật liệu về tự xây dựng lắp đặt nhà bạt và thuê hẳn cả kỹ sư từ miền Nam ra để hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm.
Theo đó, để nắm vững kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc, ngoài sự hướng dẫn của kỹ sư, bà còn tìm đọc các tài liệu trên sách báo, nghe đài, xem các chương trình truyền hình phổ biến cách nuôi tôm thẻ chân trắng.
Bà Vượn cho hay, nuôi tôm trong nhà bạt giúp một năm nuôi được 3 vụ, trung bình cho một lứa tôm thương phẩm chỉ khoảng 70 ngày, riêng vụ đông có dài ngày hơn, khoảng 80 ngày.
"Nuôi tôm như đánh bạc với trời, vì vậy không chỉ phụ thuộc vào thời tiết mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố con giống, chăm sóc, thời vụ nên tôm nuôi thường phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro sẽ rất cao" - bà Vượn nói.
Theo bà Vượn, nuôi tôm nhà bạt công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày 200 con giống/m2 so với 80 con giống/m2 khi nuôi trong ao đất nhưng quản lý được thức ăn, môi trường ao nuôi, tôm phát triển đồng đều đạt tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha.
Chia sẻ với PV, bà Vượn cho biết, với việc áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc năm 2020 gia đình bà đã thu về trên 200 triệu đồng.
Gia đình ông Hoàng Văn Thùy, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) cũng là một trong những hộ thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc.
Ông Thùy cho biết, trước kia, diện tích hơn 3.000m2 của gia đình ông từng được sử dụng để làm muối, với thu nhập chỉ từ 30 nghìn đồng/tạ.
Năm 2003, ông Thùy đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn chỉ là nuôi theo hình thức quảng canh, nên hiệu quả không cao.
Đến năm 2015, gia đình ông Thùy đã quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc.
Từ năm 2015 đến nay, nhờ việc chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc, mỗi vụ, ông Thùy thu 2,5 - 3 tấn tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận cao gấp hàng chục lần.
"Từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc, tôi đã được tham gia nhiều hội thảo đầu bờ, được cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh, của huyện về trao đổi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao" - ông Thùy chia sẻ.
Theo ông Thùy, nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc có ưu điểm là tôm hay ăn, lớn nhanh, rất ít khi bị bệnh.
Với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm của mình, ông Thùy cho hay, trong quá trình nuôi tôm 2 yếu tố quan trọng nhất là con giống và môi trường nước. Ngoài việc con giống đảm bảo chất lượng thì phải thực hiện nghiêm quy trình xử lý hồ nuôi.
Nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc một cách bài bản, khoa học, mỗi vụ tôm gia đình ông Thùy đã có thu lãi 200 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết, trong những năm qua, ông Thùy đã đầu tư cải tạo ao nuôi máy móc thiết bị nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao hơn những đối tượng khác từ 5 – 7 lần. Đây là mô hình chuyển đổi của hội viên hội nông dân rất tốt.
Còn ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải (Thái Bình) thì cho hay, trong những năm qua, tận dụng lợi thế tự nhiên, huyện xác định đưa con tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng là một trong những con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của huyện. Các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, bền vững môi trường; nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao phát triển thay thế phương pháp nuôi quảng canh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Hiện nay huyện đã tiến hành quy hoạch vùng ươm ngao giống với diện tích 300ha; 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản mỗi năm đáp ứng được 20% nhu cầu. Quy vùng 93ha nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần nuôi truyền thống. Chế biến thủy sản từng bước được chú trọng, đã hình thành các doanh nghiệp, đầu mối chế biến cung cấp trong nước và xuất khẩu" - ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải (Thái Bình).