Dân Việt

Cô giáo bỏ tiền túi dịch hát bài thiếu nhi nổi tiếng Việt sang Anh

Tào Nga 04/04/2021 06:31 GMT+7
Các ca khúc thiếu nhi gắn bó tuổi thơ biết bao thế hệ được cô giáo Bạch Thùy Linh dịch hát song ngữ đang nhận sự hưởng ứng lớn.

Là một giáo viên dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ lại vừa yêu thích ca hát, cô giáo Bạch Thùy Linh (Nguyệt Ca) đã tặng cho con trai món quà nhân dịp 9 tuổi là bài hát "Cho con" được bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh. 

Sau đó, cô chia sẻ clip với bạn bè thì nhận phản hồi tích cực. Cô đã ấp ủ kế hoạch lớn hơn đó là chuyển ngữ các bài hát thiếu nhi của Việt Nam sang Tiếng Anh. Mặc dù dự án này vô cùng ý nghĩa nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Bạch Thùy Linh xoay quanh dự án này.

Dịch bài hát thiếu nhi: Từ tặng con đến dự án lớn

Xin chào Bạch Thùy Linh! Ý tưởng nào khiến chị quyết định triển khai dự án chuyển ngữ bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Anh?

Tôi là một cô giáo dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ, đồng thời cũng là một người yêu ca hát. Từ lâu tôi đã có băn khoăn rằng trẻ con bây giờ dường như ít nghe nhạc thiếu nhi, cũng không biết đến các bài hát thiếu nhi nổi tiếng như thời của chúng tôi. Thời chúng tôi lớn lên với những giai điệu rất trong sáng và ý nghĩa, phù hợp với tuổi thơ. Ngày nay, các bạn nhỏ, thậm chí từ 3 - 4 tuổi thôi, cũng đã nghe nhạc Âu – Mỹ, nhạc Hàn; thuộc những bài hát tình yêu rất não nề.

,Chuyện chưa kể về cô giáo bỏ tiền túi dịch và hát bài thiếu nhi Việt sang Anh ấp ủ dự án lớn - Ảnh 1.

Tôi có một anh bạn tên là Vũ Thế Chung có sở thích dịch các bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh. Cách đây khoảng 3 – 4 năm, anh bạn tôi bắt đầu dịch sang các ca khúc thiếu nhi. Anh ấy có đưa tôi xem một vài bản dịch, tôi thấy rất hay. 

Chúng tôi đã cùng bàn bạc, chọn lựa câu chữ làm sao để có thể hát lên một cách mượt mà nhất, vừa sát nghĩa bài hát gốc vừa thoát được tinh thần tác giả. Và nó cũng phải có một đời sống riêng của một tác phẩm âm nhạc, chứ không thể nào nghe đã biết là một tác phẩm dịch một cách cưỡng ép. 

Sau khi hoàn thiện bản dịch, tôi có đem vài ca khúc đi biểu diễn giao lưu trong các hội thảo dành cho cha mẹ và con, mọi người rất thích và hỏi tôi lời bài hát để về dạy cho con.

Clip bài hát song ngữ Việt - Anh "Cho con".

Ca khúc đầu tiên “Cho con” tôi ra mắt tháng 12/2020 thực ra là món quà dành cho con trai tôi nhân ngày sinh nhật 9 tuổi, gồm bản ghi âm hoàn chỉnh, có cả video trên Youtube để mọi người có thể truyền tai nhau, thì bạn bè của tôi phản hồi rất tích cực. Tới Tết vừa rồi, tôi phát hành bản thu âm thứ hai là ca khúc “Cánh én tuổi thơ” - một bài hát rất hợp với không khí mùa xuân, còn được mọi người đón nhận nồng nhiệt hơn nữa. Thế là chúng tôi quyết định biến nó thành một dự án dài hơi.  

Clip bài hát song ngữ Việt - Anh "Cánh én tuổi thơ".

Chị có thể chia sẻ dự án này sẽ được triển khai thế nào và hiện tại chị đã thực hiện đến giai đoạn nào?

- Hiện nay tôi đã mua tên miền www.nhacthieunhisongngu.vn, và đang xây dựng một website, nơi mọi người có thể vào xem thông tin về dự án, liên lạc với nhóm thực hiện dự án, và nghe tất cả các bài hát thiếu nhi song ngữ do dự án phát hành cũng như thu thập từ khắp nơi. Một kênh Youtube có tên “Nhạc thiếu nhi song ngữ” cũng đã được lập và đã có khá nhiều video clip trên đó. 

Tôi và anh bạn Vũ Thế Chung đã dịch được 11 ca khúc và dự định sẽ phát hành dần, cứ 1-2 tháng lại ra mắt một bài mới, và đều nhân những dịp đặc biệt. 

Ví dụ, Ngày của mẹ 9/5 là bài “Chỉ có một trên đời”, Ngày môi trường thế giới 5/6 là bài “Trái đất này là của chúng mình”, ngày khai trường 5/9 có bài “Đi học” hay Trung thu sẽ hát “Chiếc đèn ông sao” hoặc 20/11 có ngay bài “Bụi phấn”...

Đây chắc hẳn là một dự án lớn mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Trong quá trình triển khai dự án này, chị gặp thuận lợi và khó khăn gì? 

- Hiện nay đây chỉ là một dự án chúng tôi làm vì đam mê. Anh Vũ Thế Chung chuyển ngữ ban đầu, sau đó đem ra bàn bạc cùng tôi và một thành viên nữa mới tham gia vào dự án là chị Đinh Thu Hồng, một cô giáo đang dạy tiểu học tại Mỹ, tác giả của 2 cuốn sách rất được các cha mẹ yêu mến là “Học kiểu Mỹ tại nhà” và “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”. 

Dịch một văn bản văn xuôi thôi đã khó, đây lại là ca khúc, phải dịch làm sao để khi hát lên vẫn hợp lý về cao độ, trường độ. Chúng tôi cùng mổ xẻ bản dịch xem đã sát nghĩa chưa, hát lên có bị gượng ép không, dịch như thế đã đúng với văn phạm, từ ngữ tiếng Anh chưa, nếu có thì đề xuất cách sửa như thế nào. Có nhiều khi cũng tranh cãi kịch liệt vì ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình. 

Thậm chí có những bài đã dịch được một nửa rồi phải dừng lại vì không tìm được hướng đi tiếp. 

Về chi phí thực hiện dự án, gồm thuê nhạc sĩ phối khí, thu âm, thiết kế video clip... tôi cũng đang tự bỏ tiền túi ra làm. Tôi xác định mỗi 1-2 tháng cho ra mắt một ca khúc mới, như một món quà tặng cho học trò và phụ huynh của tôi, và đặc biệt tặng cho cậu con trai bé nhỏ của mình. 

,Chuyện chưa kể về cô giáo bỏ tiền túi dịch và hát bài thiếu nhi Việt sang Anh ấp ủ dự án lớn - Ảnh 4.

"Tôi xác định mỗi 1-2 tháng cho ra mắt một ca khúc mới, như một món quà tặng cho học trò và phụ huynh của tôi, và đặc biệt tặng cho cậu con trai bé nhỏ của mình" - Nguyệt Ca.

Sau khi các bài hát được đăng tải lên mạng, chị đã nhận được phản hồi của mọi người ra sao, đặc biệt là các em nhỏ?

- Ngoài việc đăng bài hát lên Facebook, Youtube, tôi cũng đem ca khúc đó đến biểu diễn ở các hội thảo, buổi chia sẻ có nhiều phụ huynh và học sinh tham gia, hoặc dạy cho chính học sinh của mình hát. Các bạn nhỏ rất thích thú vì từ trước đến nay chúng chỉ được nghe bài hát đó bằng tiếng Việt, với cách phối khí khá truyền thống, an toàn, và cách hát chân phương của một dàn đồng ca trẻ em, thứ mà có lẽ ít hấp dẫn thiếu nhi năm 2021 này. Phần lời tiếng Anh cùng cách phối khí acoustic khiến bài hát trở nên có vẻ hiện đại hơn, có tính quốc tế hơn, và trẻ con dễ mở lòng tiếp nhận hơn. 

Sắp tới, khi danh sách ca khúc thiếu nhi song ngữ đã nhiều hơn, tôi sẽ nhận lời tới các trường học để dạy hát cho các bạn nhỏ bằng cả hai thứ tiếng, để lan tỏa nhiều hơn các tác phẩm của dự án. Hi vọng tôi sẽ tìm thêm được những người đồng hành nhiệt tình để làm công việc này. 

Tôi cũng đem các ca khúc đã dịch để nhờ một số người bạn của mình là người nước ngoài hát, và nhận được phản hồi rất tích cực. Họ nói các bài hát này không chỉ có giai điệu đẹp mà lời bài hát cũng dễ hiểu, trong sáng, phù hợp với trẻ em, cách hành văn cũng trôi chảy mượt mà, và có vẻ nó đã có một đời sống riêng như một tác phẩm độc lập rồi. 

,Chuyện chưa kể về cô giáo bỏ tiền túi dịch và hát bài thiếu nhi Việt sang Anh ấp ủ dự án lớn - Ảnh 5.

Mong muốn của chị đối với dự án này ra sao, nhất là việc quảng bá bài hát thiếu nhi Việt Nam ra nước ngoài để mọi người đón nhận?

- Dự án này chúng tôi hướng đến mấy mục đích chính:

Thứ nhất, chúng tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận mới cho các bạn thiếu nhi ngày nay, để các bạn cảm thấy nhạc thiếu nhi không nhàm chán, các bạn sẽ nghe và tiếp tục hát những bài hát đấy.

Thứ hai, chúng tôi mong các bạn nước ngoài có thể vô tình nghe được các ca khúc này, để các bạn biết nhạc thiếu nhi ở Việt Nam cũng có rất nhiều bài hát hay. Các bạn du học sinh có thể lấy những bài hát này để biểu diễn trong những dịp giao lưu với bạn bè quốc tế, chắc chắn sẽ là một tiết mục độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc.

Và có một đối tượng nữa là những người mẹ có con nhỏ sống ở nước ngoài, những phụ nữ lấy chồng nước ngoài, con của họ không giỏi tiếng Việt lắm; họ rất thích thú khi tìm được một bài hát vừa có tiếng Anh vừa có tiếng Việt để dạy cho con mình - những thế hệ con lai để kết nối của chúng với quê hương thêm chặt chẽ và ý nghĩa.

Hiện tại mỗi ca khúc mới chỉ có mình tôi thể hiện song ngữ, tuy nhiên tôi nghĩ khi nhiều người biết đến dự án, sẽ có những bạn thiếu nhi hoặc thanh niên yêu thích, hát cover lại và tải lên mạng, tiếp tục lan tỏa nó. Nhiều người thể hiện cùng một ca khúc với nhiều phong cách, màu sắc khác nhau, chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, và mỗi độ tuổi khán giả sẽ tìm thấy phiên bản phù hợp với mình.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!