Nhà văn Hoàng Anh Tú: "3 đứa con tôi chẳng phải dạng vừa, chỉ là chúng tôi nhìn nhau mà sống"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 03/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Bố mẹ chưa bao giờ hoàn hảo cả nhưng bố mẹ luôn đòi hỏi con mình phải luôn đúng là sao?", nhà văn Hoàng Anh Tú đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú hay còn được biết đến là anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò. Hiện nay anh còn là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình...

Anh Hoàng Anh Tú khiến nhiều người ngưỡng mộ khi thường xuyên chia sẻ hình ảnh hạnh phúc bên vợ Nguyễn Lê Trang và quan điểm dạy con hay. 3 người con của anh là con trai Gia Bách, Trà My và Phương Nguyên. 

Mới đây, "anh Chánh Văn" chia sẻ, anh đã nhận được khá nhiều những tin nhắn của các bậc làm cha làm mẹ hỏi rằng: Nói sao để con hiểu? Làm sao để con nghe lời? Phải làm gì khi con cái bật lại cha mẹ tanh tách? Có cách nào để con chịu hiểu nỗi lòng cha mẹ? Nào là con bướng bỉnh, không nghe lời, có thái độ chống đối, làm những việc bố mẹ không muốn, không chấp nhận nổi… Đặc biệt là cha mẹ có con đang ở tuổi dậy thì, từ 9-15, 16 tuổi, cái tuổi mà dở ông dở thằng.

Chia sẻ về quan điểm dạy con của mình, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: "Có thể mọi người cho rằng tôi may mắn khi 3 đứa con của mình ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và không quậy tung nóc như con của nhiều người. Nhưng sự thực thì chẳng phải đâu. 3 đứa nhà tôi cũng chẳng phải dạng vừa. Chỉ là chúng tôi đều nhìn nhau mà sống, lựa chiều nhau mà cư xử. 

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "3 đứa con tôi chẳng phải dạng vừa đâu, chỉ là chúng tôi nhìn nhau mà sống" - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú hạnh phúc bên gia đình.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Bố mẹ chưa bao giờ hoàn hảo cả

"Vợ chồng tôi đều luôn tự xác định trước 3 đứa: Bố mẹ của các con chưa bao giờ là hoàn hảo cả. Vợ tôi chưa bao giờ phải gầm lên với 3 đứa. Nàng luôn là người mẹ hiền lành của 3 đứa. Nhà chỉ có tôi là kẻ hay gầm thôi, nhưng chúng càng lớn thì tôi càng ít gầm hơn. Cũng là bởi tôi nhận ra tôi có quát tháo chúng cũng chả có ích lợi gì. Vì quả thật, trong nhà này, chúng sợ bố một thì chúng sợ mẹ 10. Dù mẹ chúng chưa khi nào phải quắc mắt lên chứ đừng nói là gầm. 

Tôi nhận ra rằng quát tháo chả khiến mọi thứ tốt lên chứ đừng nói là đòn roi. Quát con chỉ khiến đứa trẻ hãi chứ không khiến chúng sợ mà không làm. Chúng chẳng sợ gì đâu. Như tôi ngày xưa, mẹ tôi quát tôi từ sáng sớm đến tối mịt, chửi tôi mỗi ngày, cơ mà tôi có sợ mẹ đâu, vẫn tai này sang tai nọ. May cho mẹ là tôi vô tâm, không bị tổn thương vì những lời mắng chửi của mẹ. Thậm chí lớn hơn thì nhận ra mẹ mình tính khí vậy chứ yêu mình chết đi được. 

Nhưng tôi cũng biết, nhiều đứa trẻ 25-35 tuổi rồi vẫn inbox cho tôi về những tổn thương ngày bé khi bị mẹ chửi bới. Chửi mắng con, quát tháo con và cả đánh đập con không phải là cách để dạy con cả. Bởi khi chúng ta chửi mắng, quát tháo, đánh đập chúng dù nhân danh lòng yêu thương, muốn con tốt hơn, ngăn con phạm lỗi… thì cũng chỉ là phát xuất từ cơn giận dữ của chúng ta, sự bất lực của chúng ta khi "nói mãi nó không nghe. Nói nhẹ nhàng rồi mà nó vẫn trơ trơ ra".

Càng sốt ruột muốn con tốt hơn, chúng ta càng đẩy con cái sang phía đối đầu thay vì đối thoại. Càng dùng nhiều hình phạt càng khiến đứa trẻ đối phó thay vì cùng cha mẹ tìm ra đối sách tích cực. Phạt một đứa trẻ hư không thể và không nên bằng những thứ tiêu cực, xấu xí như vậy. Bởi lúc chúng ta giận lên, nếu tụi nó chụp ảnh lại, chắc chắn nhìn rất hãi.

Vợ chồng tôi luôn chọn cách làm… nước, trôi theo cùng chúng nó đi. Ở bầu thì tròn đi, ở ống thì dài đi. Chúng tôi như nước bao quanh chúng, thuận dòng cùng chúng. Ờ, anh Bách điểm kém ư? Có giải pháp nào không? Học kém vậy thì hơi ê mặt nhể? Cơ mà ê mặt anh chứ chẳng ê mặt tôi. Anh học kém bạn bè anh biết chứ bạn bè tôi có biết đâu. 

Giải pháp là gì? Bố mẹ có thể giúp anh điều gì để thay đổi? Ờ, cô My lúc nào cũng nhăn nhó cái mặt xấu ghê. Cái tính cách đó sau này thằng nào vớ phải có khi nó chạy mất dép đấy. Nhưng cũng chẳng sao, nhăn nhó gặp kẻ nhăn nhúm thôi. Mà mẹ ngày xưa cũng nhăn nhó thế đấy. Nhưng lớn lên là tự khắc biết thay đổi. Gen của mẹ mà, lo gì. 

Kết quả là thế nào tôi không biết nữa vì 2 đứa nó vẫn cần thời gian để tự thay đổi cùng sự giúp sức của bố mẹ. Phải, luôn cần thời gian. Paris có phải xây trong một đêm đâu kia chứ, nhỉ? Nhưng tôi biết, 2 đứa nhà tôi sẽ nghĩ về điều đó chứ không phải cố chống đối cha mẹ, muốn phản ứng lại với cha mẹ. Triệt thoái mọi phản ứng tiêu cực từ con cái bắt đầu từ việc cha mẹ đừng phản ứng tiêu cực với con.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "3 đứa con tôi chẳng phải dạng vừa đâu, chỉ là chúng tôi nhìn nhau mà sống" - Ảnh 2.

"Bố mẹ chẳng hoàn hảo đâu, nhưng chúng ta có thể giúp nhau cùng hoàn hảo" - Nhà văn Hoàng Anh Tú.

Chúng ta giờ là cha mẹ, nhưng chúng ta cũng đã từng giống tụi nó khi ở tuổi tụi nó. Ừ thì có người sẽ tốt hơn con mình bây giờ. Nhưng nghĩ coi, mục tiêu của chúng ta là gì? Là muốn thay đổi con cái chúng ta để chúng tốt hơn đúng không? Vậy trước nhất, hãy thay đổi chúng ta đi cái đã. Muốn con coi chúng ta là bạn để có thể mở lòng tâm sự với chúng ta nhưng nếu ta vẫn khư khư giữ quyền làm cha, làm mẹ thì con cái chúng ta làm bạn với chúng ta kiểu nào? Mà làm bạn nhiều khi không bằng làm… đồng bọn. Chỉ đồng bọn mới khiến chúng chịu chia sẻ. Chứ bạn thì cũng có bạn "this", bạn "that".

Tôi vẫn cho rằng cha mẹ hãy làm… nước, khiến chúng muốn thoả thích vẫy vùng, khiến chúng muốn uống chúng ta mỗi ngày, khiến chúng không phải đề phòng chúng ta. Trong 4 thứ gây hoạ, Thuỷ đứng đầu rồi mới đến Hoả, Đạo, Tặc. Cứ như nước đi. Lững lờ bên con. Rình cơ hội thì quấn phăng chúng đi bằng cơn đại hồng thuỷ.

Tôi vẫn muốn khuyên các bậc cha mẹ đừng cố trở nên hoàn hảo. Hãy là những bố mẹ chơi được, cũng có thứ không hoàn hảo để được con cái căn chỉnh, "dạy dỗ" lại chúng ta. Vẫn sai đầy ra để chúng được trách cứ và chúng ta được xin lỗi chúng. Là tôn trọng quyền làm con của chúng. Quyền làm con to lắm, lớn lắm, sức mạnh lắm. Nó bình đẳng với quyền làm cha, quyền làm mẹ. Không phải bạn hạ thấp bản thân xuống mà là bạn phải đưa con bạn lên cao, để hai bên cùng phải tôn trọng nhau. Quyền lợi càng cao thì trách nhiệm càng lớn, là cùng nhau xây dựng trách nhiệm đi cùng quyền lợi. Nhưng cũng phải liệu cơm mà gắp mắm, đừng bắt chúng phải chịu trách nhiệm với những điều chúng khó làm, chưa làm được hoặc chưa biết phải làm thế nào. Mà muốn thế, nhớ lại xem, bản thân mình ở tuổi đó thế nào, bạn bè mình ở tuổi đó thế nào.

Bực mình là tự làm mình bực. Sao phải rước bực vào mình? Kỳ công nhưng không kỳ vọng. Làm tốt khả năng của mình trước đã. Nên tôi thích điên lên cái câu: Cha mẹ có hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc. Nên tôi cứ làm cha mẹ hạnh phúc cái đã. Con ở với mình cả cuộc đời phía trước, hôm nay chưa sửa được tính xấu này thì mai sửa, mai không sửa được thì mốt sửa, mốt không sửa được thì… chẳng sửa nữa. Vì chúng ta chả có nhiều năm tháng để ở bên chúng nó nữa đâu, sau 18-20 tuổi, chúng lại bay thôi mà. 

Vấn đề là con chúng ta có thế nào chúng ta cũng đâu thể bỏ rơi mà, phải không? Vậy nên hôm nay không sửa, mai gặp chuyện không hay, chúng ta vẫn phải nhảy vào cứu. Hôm nay có sửa, mai cũng vẫn có thể gặp chuyện không hay, chúng ta càng không thể đứng im kệ chúng. Đằng nào cũng vẫn phải giơ đầu chịu báng mà. Vấn đề cốt lõi vẫn là phải để con có thể nói chuyện với chúng ta, có thể về kêu khóc với chúng ta chứ không phải tự lo để rồi trầm cảm. 

Tôi vẫn nghĩ, đáng sợ nhất là con tự ngắt kết nối với chúng ta, chứ những thứ rắc rối chúng đang có, đang khiến chúng ta bực dọc, khó chịu chỉ là chuyện nhỏ. Paris không xây xong trong một ngày, nhớ cho!

Bố mẹ chẳng hoàn hảo đâu, nhưng chúng ta có thể giúp nhau cùng hoàn hảo. Nào, giờ thì làm đồng bọn với chúng đi nào…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem