Thực tế đó cho thấy, để có "đầu ra" ổn định, cần phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, vụ đông 2020, toàn thành phố gieo trồng 28.351ha rau màu các loại. Đến nay, diện tích cây vụ đông đã thu hoạch đạt 27.127,9ha. Cùng với sản xuất vụ đông, Hà Nội cũng đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ xuân được 7.104,7ha, chủ yếu là: Ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu...
Ông Nguyễn Mạnh Phương - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện nay, hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng đến tận chân ruộng. Thành phố và các huyện cũng đều có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất rau, màu vụ đông, vụ xuân sau 2 vụ lúa chính trong năm, do vậy, diện tích được mở rộng.
"Hà Nội có chính sách hỗ trợ vốn; tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân...; quản trị tốt chuỗi giá trị cung ứng rau hiện có làm yếu tố hạt nhân nhân rộng".
Ông Chu Phú Mỹ
Khảo sát tại các vùng trồng rau của Hà Nội cho thấy, giá bán rau giữa các vùng trồng rau an toàn có liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp và các vùng trồng rau tự phát có sự chênh lệch nhau.
Cụ thể, giá súp lơ xanh bán tại các vùng trồng không có liên kết chuỗi là 3.000 đồng/cây, su hào 2.000 đồng/củ, cà chua 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các vùng trồng có liên kết chuỗi, giá cao hơn: Súp lơ xanh là 5.000 đồng/cây, su hào 3.000 đồng/củ, cà chua 10.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Khắc Đạo, người trồng rau lâu năm tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, ông đã tham gia chuỗi liên kết, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên trồng rau ổn định quanh năm. "Lúc thị trường rau khan hiếm, chúng tôi không bán được giá cao, nhưng ngược lại, khi giá rau rẻ như hiện nay, doanh nghiệp vẫn thu mua với giá bình ổn" - ông Đạo chia sẻ.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc HTX nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, HTX đã đứng ra xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, với hơn 60% số xã viên đăng ký tham gia - tương đương sản lượng rau thu hoạch trên tổng diện tích gần 20ha. Đặc biệt, xã có 5ha rau trồng trong nhà lưới được các đơn vị bao tiêu sản phẩm thu mua ổn định, giữ giá theo hợp đồng.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết thêm, đơn vị có hơn 200ha sản xuất rau tập trung, ước thu nhập mỗi ha lên tới gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, HTX tiêu thụ được 20 - 30% sản phẩm rau xanh cho nông dân theo chuỗi, còn lại nông dân vẫn phải tự tiêu thụ.
Mặc dù đạt hiệu quả, nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, hiện nay, lượng rau an toàn tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm 2 - 3% tổng sản lượng rau an toàn trên địa bàn thành phố. Trong 45 chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn đang hoạt động trên địa bàn thủ đô mới có 30% diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn phần; còn lại, mới dừng ở mức ứng dụng kỹ thuật và một phần ứng dụng công nghệ cao do nguồn vốn đầu tư hạn chế. Đáng nói, hiện thành phố có đến hơn 12.000ha rau nhưng phần lớn sản xuất tự phát, manh mún nên khó khăn trong việc tổ chức xây dựng liên kết chuỗi.
Trong khi đó, thực tế có nhiều khó khăn trong phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Nhiều HTX, địa phương muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn nhưng việc đàm phán, ký kết hợp đồng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm rau còn nhiều trở ngại.
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Đặc biệt, để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, ngành nông nghiệp thủ đô phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, HTX; tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng. Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho khâu lưu thông rau an toàn theo chuỗi về mặt bằng bán hàng, xây dựng thương hiệu.