Dân Việt

SSI mất ngôi "quán quân" môi giới thị trường chứng khoán, CEO Nguyễn Hồng Nam chia sẻ điều bất ngờ

Quốc Hải 05/04/2021 15:54 GMT+7
Quý 1/2021, VPS bất ngờ vươn lên chiếm vị trí số 1 về môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền bảo đảm với thị phần 13,24%. Trong khi đó, SSI với nhiều năm giữ vị trí “quán quân” đã lui xuống vị trí số 2 với thị phần 11,89%.
SSI mất ngôi “quán quân”  môi giới thị trường chứng khoán, CEO Nguyễn Hồng Nam chia sẻ điều bất ngờ - Ảnh 1.

SSI bất ngờ mất vị trí "quán quân" môi giới thị trường chứng khoán

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền bảo đảm quý 1/2021.

Theo đó, trong quý 1/2021, VPS đã vươn lên chiếm vị trí số 1 về môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền bảo đảm với thị phần 13,24%. Trong những quý gần đây, VPS đã liên tục "leo top" trong bản thị phần môi giới và việc chiếm vị trí số 1 trong quý đầu năm là điều không quá bất ngờ.

Việc áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giao dịch, đẩy mạnh phát triển môi giới cá nhân đã mang lại thành quả cho VPS trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, tên tuổi thường xuyên giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới trong nhiều năm qua SSI đã lui xuống vị trí số 2 với thị phần 11,89%. So với quý 4/2020 thì thị phần của SSI đã giảm 0,44%, trong khi VPS tăng thị phần thêm 4,58%. Điều này cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty chứng khoán, bao gồm cả các công ty chứng khoán nội và ngoại.

Xếp các vị trí tiếp theo trong top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền bảo đảm HoSE lần lượt là HSC (8,23%), VNDIRECT (7,46%), VCSC (5,62%), Mirae Asset (4,41%)…

Đánh giá về sự cạnh tranh này, ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc SSI nhận định "Cạnh tranh là rất cần thiết để thúc đẩy thị trường chung phát triển. Thị phần môi giới là một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với mỗi công ty chứng khoán nhưng chắc chắn không phải mục tiêu hoạt động duy nhất".

Ông Nguyễn Hồng Nam cũng cho rằng, mỗi công ty đều có những mục tiêu riêng để theo đuổi và hành động theo những mục tiêu đó.

"Với SSI, chúng tôi coi bản thân mình mới chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất và nỗ lực từng ngày để phát triển. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi gắn liền với sứ mệnh "kết nối vốn và cơ hội đầu tư". Trong 20 năm qua, có những thời điểm chúng tôi không đứng đầu về thị phần môi giới, nhưng SSI luôn là công ty chứng khoán số 1. Điều chúng tôi quan tâm lớn nhất đó là làm sao để xây dựng và bảo vệ thị trường chứng khoán, giữ an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư lâu dài", ông Nam nói.

Cũng theo chia sẻ của CEO SSI, với đặc thù của ngành tài chính, khủng hoảng từ một thành viên của thị trường sẽ dễ dàng ảnh hưởng sang các thành viên khác và ảnh hưởng tới toàn hệ thống nói chung, do đó tăng trưởng bền vững luôn là lựa chọn của SSI để tồn tại…

Đáng chú ý, Mirae Asset cũng là cái tên ngoại duy nhất lọt vào top 10 thị phần môi giới HoSE quý 1/2021. Các CTCK khác như KIS, KB Việt Nam (KBSV), Maybank KimEng…cũng không lọt vào top 10 trong quý vừa qua.

Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất HoSE vừa qua có một sự thay đổi so với quý trước với sự góp mặt của TCBS với thị phần 3,6%, trong khi cái tên bị loại ra là KIS.

Về thị phần môi giới trái phiếu, TCBS vẫn là CTCK đứng đầu với thị phần 68,14%, bỏ xa cái tên xếp sau là HSC (13,42%), TPS (3,91%)…

Được biết, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một quý đặc biệt khi có tới 3 lần chạm mốc 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể chính thức chinh phục được ngưỡng tâm lý quan trọng này. Đáng chú ý, trong quý 1/2021, VN-Index cũng chứng kiến pha giảm điểm lịch sử với 73,23 điểm – tương ứng 6,67% xuống 1.023,94 điểm, mức giảm mạnh nhất lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau đó, VN-Index nhanh chóng hồi phục và chạm mốc 1.191,44 điểm tại ngày 31/3/2021, tăng 7,93% so với đầu năm.

Cùng với sự tăng trưởng tích cực về điểm số, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục với hàng loạt phiên giao dịch trên 15.000 tỷ đồng. Việc thanh khoản tăng đột biến thậm chí còn gây ra hiện tượng nghẽn lệnh thường xuyên trên HSX. Thị trường tăng khá nhưng giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ. Tính riêng Quý 1/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE, gần bằng lượng bán ròng trong cả năm 2020 (hơn 15.000 tỷ đồng).