Dân Việt

Lào Cai: Nuôi đàn cá đặc sản không xương dăm, cá "đại bổ", anh nông dân thu nhập gần 2 tỷ đồng

Lưu Tiên - Đức Tiến 07/04/2021 06:07 GMT+7
Con đường lập nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhưng với hoài bão và ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phạm Văn Hàn, thôn Làng Kim, xã Quang Kim (Bát Xát - Lào Cai) đã mạnh dạn đưa giống cá quất và chạch chấu về nuôi thử nghiệm ngay tại ao nhà và bước đầu thành công.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá quất và chạch chấu của gia đình, anh Phạm Văn Hàn cho biết: Cơ duyên dẫn anh đến nghề nuôi cá là do những năm công tác tại Trung tâm Thủy sản tỉnh, anh đã nắm được tập tính sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt cũng như những điều kiện để phát triển mô hình nuôi cá. 

Năm 2016, anh mua 600 cá quất về nuôi thử. Sau 3 năm, cá đạt trọng lượng 2,5 - 3 kg/con, giá bán 400 - 450 nghìn đồng/kg. Kết quả bước đầu đã tạo động lực để anh mở rộng diện tích ao nuôi.

Lào Cai: Khởi nghiệp từ nuôi cá quất - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá quất thương phẩm.

Đến năm 2017 - 2018, những ảnh hưởng của thiên tai khiến anh Hàn muốn bỏ cuộc nhưng sự động viên của gia đình, người thân đã giúp người nông dân này tiếp tục con đường nuôi thủy sản. Tháng 4/2019, anh Hàn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua giống và cải tạo hơn 3.000 m2 ruộng trũng thành 4 ao nuôi cá, theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi. Anh chủ yếu nuôi cá quất, chạch chấu và các giống trắm cỏ, rô phi, chép lai…

Nhìn nhận lại việc nuôi cá trong thời gian qua, anh Hàn cho rằng để có thể làm giàu từ nuôi thủy sản, chỉ với bề dày kinh nghiệm là chưa đủ, mà còn phải biết vận dụng sáng tạo các kiến thức vào thực tế sản xuất. 

Với 3.000 con cá quất lúc mới nhập về, anh cho ăn bằng cám, chuyển sang giai đoạn cá đạt 2 lạng/con đến khi thành cá thương phẩm. Thức ăn chính của cá quất là cá biển chế biến, như vậy sẽ đạt năng suất cao, thịt cá chắc, thơm ngon. Cá quất là loại cá giàu chất dinh dưỡng, không có xương dăm, dễ chế biến, được thị trường ưa chuộng. 

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sau gần 2 năm thả nuôi, đàn cá quất lớn nhanh, đạt 1,6 - 1,8 kg/con. 

Với giá bán từ 450 đến 480.000 đồng/kg, dự tính lứa đầu sau khi bán, anh thu về gần 2 tỷ đồng, trừ các chi phí cũng lãi hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ có cá quất mà 3.000 con chạch chấu, 2.000 con cá trắm cỏ, rô phi và chép lai cũng được anh Hàn cho ăn bằng nguồn thức ăn tự nhiên và cá tạp xay nên cá rất ít bệnh, lại tiết kiệm được chi phí, có thể bán được giá cao gấp 2 lần giống cùng loại nuôi công nghiệp. Đầu năm 2021, anh mạnh dạn nuôi thêm 5.000 con cá lăng đuôi đỏ.

Với ý chí của người nông dân giàu nghị lực và khát khao khởi nghiệp, làm giàu từ nuôi thủy sản, mô hình nuôi cá của anh Phạm Văn Hàn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn mở ra hướng phát triển thủy sản tiềm năng cho địa phương.

Nghiên cứu của các chuyên gia y học Trung Quốc cho thấy, cá chạch sông (chạch chấu) có tác dụng rất tốt đối với những người mắc bệnh gan, đái tháo đường, liệt dương, bệnh đường tiết niệu... Món này cũng giúp bổ thận, tráng dương.

Hiện nay, chạch chấu tự nhiên ngày càng được khai thác nên để nhân giống và duy trì, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tại Yên Bái, Tuyên Quang đã nghiên cứu thành công trong việc sinh sản nhân tạo cá chạch để sản xuất giống.

Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chạch trong bể xi măng tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Hải Dương) cho thấy, sau một năm nuôi kích cỡ cá có thể đạt 132–186 gram.

Chạch chấu là loài thủy đặc sản có hình dạng giống chạch đồng nhưng to dài hơn rất nhiều và đặc biệt có hàng sống lưng gai góc tựa cá rô. Hiện chạch chấu gần như đã ở trong tình trạng báo động đỏ trong tự nhiên do nạn đánh bắt tận diệt và ô nhiễm môi trường.