Dân Việt

Một Phó Thủ tướng không tái cử Trung ương sẽ đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ

PVCT 07/04/2021 11:33 GMT+7
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình không có tên trong danh sách nhân sự được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm. Ông sẽ đảm nhiệm chức vụ cho tới hết nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIV.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 hiện nay gồm: Ông Trương Hòa Bình, ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam và ông Trịnh Đình Dũng. 

Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII và ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII không tái cử Ban Chấp hành Trung ương do quá tuổi so với quy định (ông Bình 66 tuổi, ông Dũng 65 tuổi). Còn ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ông Minh tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

Một Phó Thủ tướng không tái cử Trung ương sẽ đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Trong danh sách do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình ra Quốc hội để nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm sáng ngày 7/4, trong số các Phó Thủ tướng chỉ có ông Trịnh Đình Dũng được đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm; trường hợp ông Phạm Bình Minh được đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trao đổi với PV, một vị đại biểu Quốc hội cho biết, trường hợp ông Trương Hòa Bình tiếp tục đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng cho đến hết nhiệm kỳ 2016-2021, nghĩa là đến tháng 7/2021, sau khi Quốc hội khóa XV tiến hành phiên họp đầu tiên để tiến hành công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955, quê Long An. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Luật, Kỹ sư Công trình thủy. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa XII; Bí thư Trung ương Đảng: Khóa XI; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X, XI, XII; Đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tục là X, XI, XII, XIII, XIV.

Trong quá trình công tác ông có nhiều năm gắn bó với ngành Công an, ông có hàm Trung tướng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Sau đó ông có một nhiệm kỳ làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước khi trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định phân công công tác của Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc (8/2016):

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng thường trực, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

Cải cách hành chính; Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Phòng chống tham nhũng; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Phòng chống tội phạm; Đặc xá; Cải cách tư pháp; Xử lý các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua khen thưởng; Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm; Chủ tịch các Hội đồng, các Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các công việc của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt và được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm.

Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 2/2020, khi nhân sự lãnh đạo của Chính phủ có sự thay đổi (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội), Thủ tướng có quyết định phân công thêm nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình được giao giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Theo dõi và chỉ đạo: Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.