ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 05/04/2021 13:47 PM (GMT+7)
“Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bởi ông từng là người đột phá và khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Sáng 5/4, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bầu. Liên quan sự kiện này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã có những đánh giá, cũng như kỳ vọng về tân Chủ tịch nước.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc” - Ảnh 1.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh T.T).

Thủ tướng sang làm Chủ tịch nước sẽ có nhiều lợi thế

Thưa ông, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc là trường hợp đầu tiên trong lịch sử từ Thủ tướng sang làm Chủ tịch nước, điều này theo ông sẽ có những thuận lợi gì?

- Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc đã kinh qua nhiều nhiệm vụ từ địa phương đến Trung ương. Ông đã thực hiện cả công tác Đảng, công tác đại biểu dân cử, công tác tham mưu (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), đặc biệt từng là Phó Thủ tướng, trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng và trong nhiệm kỳ này ông đã đảm nhận vai trò là người đứng đầu Chính phủ.

Trong vấn đề đối nội, trên cương vị Thủ tướng, hình ảnh của ông rất thân thiện với người dân, với cán bộ các cấp. Ông đến với người dân, đến với doanh nghiệp không nề hà gì. Trong nghị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất chăm chú lắng nghe, lĩnh hội những vấn đề Quốc hội đặt ra và ông có mối quan hệ rất tốt với các ĐBQH.

Trong vấn đề đối ngoại, hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thân thiện với tất cả lãnh đạo cấp cao các nước khi đến thăm Việt Nam cũng như khi Thủ tướng đi công du nước ngoài. Hình ảnh này sẽ càng được tô đẹp thêm khi ông Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm nguyên thủ quốc gia, đại diện cho nhân dân, đại diện cho Đảng và Nhà nước giữ vai trò đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Người từng giữ vai trò Thủ tướng Chính phủ khi đảm nhiệm Chủ tịch nước sẽ có những lợi thế nhất định. Trong đối nội đã hiểu và nắm vững những vấn đề phát triển kinh tế, từ đường lối, chính sách cho đến các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển, định hướng phát triển. Chính vì thế nếu thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước có thể chủ trì được phiên họp Chính phủ về vấn đề xét thấy cần thiết.

Có thể nói, người từng giữ chức Thủ tướng khi sang làm Chủ tịch nước sẽ có nhiều lợi thế.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc” - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Chủ tịch nước có vai trò, trọng trách rất quan trọng trong cải cách tư pháp, ông có kỳ vọng gì về tân Chủ tịch nước trong vấn đề này?

- Theo quy định tại Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005, về Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị thì Chủ tịch nước là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Khả năng tới đây chúng ta sẽ tổng kết 15 năm và tiếp tục ra hạn với Nghị quyết này, bởi nhiều chủ trương trong nghị quyết chưa hoàn thành, đặc biệt với tình hình mới cần phải có nghiên cứu, thực hiện việc cải cách.

Hiện nước ta đang có 3 cải cách lớn, thứ nhất cải cách về lập pháp; thứ hai, cải cách hành chính. Hai cuộc cải cách này ông Nguyễn Xuân Phúc đều trực tiếp tham gia. Còn về cải cách tư pháp, khi ông còn là Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia với tư cách là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nên cũng rất hiểu những vấn đề của tư pháp. Khi làm việc, ông rất thông cảm với những cán bộ tham mưu như chúng tôi (ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng từng là Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương -PV).

Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch nước. Bởi ông từng là người đột phá và khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế thì đương nhiên sẽ là người thấm nhuần quan điểm phát triển này, còn tư pháp chính là hộ vệ cho kinh tế. Bản thân tôi cũng từng phát biểu và trên cương vị Thủ tướng, ông rất đồng cảm.

Thời gian tới, tôi mong Chủ tịch nước với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương tiếp tục lãnh đạo, giúp Bộ Chính trị tổng kết việc triển khai tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 49 và các kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến cải cách tư pháp.

Trên cơ sở đó chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, kiện toàn được toàn bộ bộ máy, cơ cấu, tổ chức ở tầm cao hơn. Nghĩa là chúng ta đã có bộ máy của tòa án, viện kiểm sát, thi hành án nhưng phải kiện toàn theo tinh thần của cải cách tư pháp để đảm bảo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động.

Để tiếp tục nhiệm vụ cải cách tư pháp, Chủ tịch nước phải có bộ máy tham mưu giỏi, hiểu sâu, biết rộng, tâm huyết, không ngại khó, bởi khi làm về cải cách tư pháp là vô cùng khó khăn. Tôi từng công tác về cải cách tư pháp nên biết, những cán bộ làm việc này rất vất vả.

Tôi nhớ khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có lần đến chúc tết anh em chúng tôi. Ông nói thấy anh em làm việc rất vất vả nên rất thương. Ông nói dù muộn vẫn phải đến với các em. Lúc đó chúng tôi vô cùng cảm động.

Tôi rất mong với tấm lòng ấy, với tất cả những kinh nghiệm ông đã tích lũy, trong nhiệm kỳ tới sẽ có những nghiên cứu và đột phá để cải cách tư pháp thành công.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi rất kỳ vọng vào tinh thần đột phá, đổi mới của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc” - Ảnh 4.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh PV).

Tổng Bí thư vẫn sát cánh cùng Chủ tịch nước

Hiện nay tình hình thế giới và khu vực được đánh giá có những diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt liên quan đến vấn đề Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển đảo, điều đó tiếp tục là gánh nặng trên vai Chủ tịch nước?

- Có thể nói vấn đề đối ngoại là nhiệm vụ rất nặng nề, theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu, đại diện cho Nhà nước thực hiện đối nội và đối ngoại. Hình ảnh của Chủ tịch nước là vô cùng quan trọng. Khi bàn đến vai trò của Chủ tịch nước về đối ngoại cần phải thấy, trước hết phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại của Đảng thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết về đối ngoại, các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh Chủ tịch nước có hoạt động của Ban Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương và chúng ta không thể không kể đến nghị quyết có liên quan đến đối ngoại của Quốc hội. Với sự thống nhất như vậy thì sẽ tạo điều kiện rất tốt cho Chủ tịch nước có thể hoàn thành tốt công tác đối ngoại. Tuy nhiên cần phải nói, Chủ tịch nước cũng có sự độc lập, vai trò Chủ tịch nước cũng cần có bộ máy để tham mưu, để thể hiện tốt vai trò đối ngoại trước quốc dân đồng bào, trước Đảng, trước Quốc hội.

Hiện nay chúng ta vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vậy vai trò của Chủ tịch nước thế nào đây để phát huy lợi thế này. Phải tận dụng thời cơ này, cùng với đó là những chuyến công du của Chủ tịch nước để thắt chặt mối quan hệ quốc tế, đặc biệt với các đối tác chiến lược và các đối tác khác để đảm bảo giữ gìn hòa bình, ổn định.

Bên cạnh đó, làm sao với vai trò của Chủ tịch nước, ông sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ với cộng đồng ASEAN, để ASEAN thành khu vực thực sự hòa bình, ổn định, là cộng đồng mạnh; xây dựng mối quan hệ ASEAN với châu Âu, với Hoa Kỳ, với Trung Quốc và các nước khác.

Đảng và Nhà nước ta sẽ có những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, với vai trò Chủ tịch nước từng là Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị thì chắc chắn ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cân nhắc tìm phương án tốt nhất cho công tác đối ngoại của đất nước, vừa giữ hình ảnh của đất nước, vừa giữ hình ảnh của nguyên thủ quốc gia, đồng thời đảm bảo công việc thống nhất trong quá trình lãnh đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch nước, nhiều ĐBQH đánh giá Tổng Bí thư hoàn thành rất tốt nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia, kinh nghiệm ông để lại sẽ tạo thuận lợi cho người kế nhiệm, thưa ông?

- Tôi nghĩ hiện nay đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục có chỉ đạo với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc với vai trò là Tổng Bí thư. Trong bài phát biểu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, mong Tổng Bí thư tiếp tục lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân để thực hiện thành công mọi nhiệm vụ. Khi bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch nước cho đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ bàn giao những kinh nghiệm mà còn tiếp tục ở bên cạnh Chủ tịch nước với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, tôi cho rằng mọi việc sẽ có thuận lợi.

Xin cảm ơn ông (!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem