Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hai năm liên tiếp: năm 2019 âm hơn 385 tỷ đồng và 2020 âm gần 182 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 219 tỷ đồng.
Đây là bước lùi tiếp theo Tập đoàn Yeah1 sau khi ghi nhận 2 năm lỗ liên tiếp, mà nguồn cơn sự việc được cho là do sự cố vận hành YouTube.
Ngày 3/3/2019, Yeah1 gửi đi thông báo về việc YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị này từ sau ngày 31/3/2019.
Theo Yeah1, sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 có 16,5% cổ phần, hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube. Việc này khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
Trong suốt thời gian một tháng kể từ sau thông báo trên, đại diện Yeah1 khẳng định đang "thương lượng" với phía YouTube. Ngày 1/4/2019, trong bản tin gửi đến cổ đông, Yeah1 chính thức xác nhận việc thương lượng không đạt được kết quả. Vì vậy, việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ thông tin với YouTube sẽ có hiệu lực từ ngày 31/3/2019.
Tuy nhiên đến ngày 2/4/2019, Yeah1 được YouTube gia hạn thỏa thuận thêm 2 tuần. Đến ngày 16/4, thời hạn phán quyết ngừng hợp tác có hiệu lực, Yeah1 vẫn tiếp tục hoạt động đa kênh.
Trong một chia sẻ mới đây, khi được hỏi về hỏi về nguyên nhân xảy ra sự cố YouTube, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, cho biết sự cố xảy ra do tốc độ phát triển mảng YouTube nhanh hơn so với dự kiến nên phát sinh nhiều rủi ro tiềm ẩn mà lãnh đạo không ty chưa lường trước được.
Cũng theo ông Tống, thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung của YouTube khởi nguồn cho một sự cố vận hành của Yeah1, nhưng sau đó trở thành một khủng hoảng thật sự. "Mọi thứ diễn ra, thực tình mà nói, giống một cuộc khủng hoảng truyền thông hơn trục trặc bên trong bộ máy vận hành", ông cho hay.
Sau khi gặp sự cố vận hành với Youtube, Yeah1 đã bán lại 100% cổ phần tại ScaleLab LLC cho các chủ sở hữu trước đây của đơn vị này, công ty cũng cắt giảm đáng kể chi phí khảo sát thị trường liên quan đến các kênh hợp tác với Youtube.
Tuy nhiên, sự cố với Youtube đã ảnh hưởng rất lớn tới kết quả kinh doanh của Yeah1 khi kết thúc năm 2019, doanh thu của Yeah1 đạt 1.457 tỷ đồng, chỉ bằng 73% kế hoạch đề ra và ghi nhận khoản lỗ 382 tỷ đồng.
Dù khẳng định sẽ sớm trở lại, 6 tháng, 1 năm và hôm nay sau 2 năm, lời hứa của YEG vẫn chưa thành hiện thực. Cũng tuyên bố mạnh mẽ với hệ sinh thái Giga1, tuy nhiên mảng thương mại truyền thông vẫn chưa cho quả ngọt.
Theo báo cáo kiểm toán doanh thu thuần của Yeah1 đạt 1.218,6 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 16% so với mức thực hiện năm 2019, lỗ lũy kế năm 2020 lên 180 tỷ đồng, mức lỗ này cao hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
Giải trình về vấn đề này, phía Yeah1 cho biết sự chênh lệch giữa khoản lỗ sau thuế ở báo cáo tự lập và kiểm toán chủ yếu do tập đoàn đã tiến hành ghi nhận xóa sổ hàng tồn kho. Riêng công ty mẹ sau kiểm toán lỗ thêm hơn 19 tỷ đồng chủ yếu do công ty mẹ đã tiến hành trích lập dự phòng khoản đầu tư.
Lý giải về việc lỗ gần 180 tỷ đồng cả năm 2020, phía Yeah1 cho biết do tập đoàn đã mở rộng hệ sinh thái truyền thống sang hệ sinh thái tiêu dùng vào đầu năm 2020, cần nguồn lực để đầu tư ban đầu vào hàng hóa, nhân sự và các chiến lược kinh doanh dẫn đến gia tăng chi phí.
Mảng kinh doanh mới vẫn đang trong giai đoạn tìm kiểm thị trường, đối tác, mặc dù đã có doanh thu tuy nhiên vẫn chưa thể bù đắp chi phí trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, Yeah 1 cho biết tập đoàn này đã thực hiện dự phòng hàng tồn kho nhằm phục vụ cho các chiến lược kinh doanh trong năm 2021 , làm một phần lớn nguồn vốn đầu tư chưa thể thu hồi.
Yeah cũng cho rằng dịch Covid-19 cùng với các biến pháp giãn cách xã hội đã phần nào làm các hoạt động kinh doanh của công ty bị ngưng trệ, đối với cả mảng kinh doanh truyền thống (nội dung số, truyền thông-media) và cả mảng kinh doanh tiêu dùng.
Do đó, phương án khắc phục lỗ trong năm 2021, Yeah1 sẽ tập trung đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng, cơ bản đã hoàn thành để đi vào hoàn thiện và khai thác với các đối tác mới từ quý II/2020.
Ban lãnh đạo của Yeah1 cũng đã đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2021 ở mảng truyền thông – Digital trên 20% và đề xuất với các cổ đông sẽ dùng một phần từ nguồn thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế.
Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của YEG đạt 1.385 tỷ đồng, giảm 8,6% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền và tương đương tiền giảm hơn 77%, từ 162 tỷ đồng xuống còn 36,4 tỷ đồng. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm từ 368,8 tỷ đồng xuống còn 22,75 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của YEG đạt 504,6 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản nợ vay là 194,4 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nguồn vốn.
Giá cổ phiếu YEG tiếp tục tụt giảm không phanh xuống còn khoảng 31.500 đồng/cp, chưa đến 1/10 mức giá thời hoàng kim, và tiếp tục giảm đến 30% kể từ đầu năm 2021.