Đó là thứ âm thanh vang vọng tiếng búa, tiếng đe từ sáng sớm đến chạng vạng tối mỗi ngày ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) khi cả trăm bễ rèn của bà con dân tộc Nùng nơi đây đỏ lửa.
Cùng cây búa tôi thép và ánh lửa bễ lò này, những người thợ rèn ở Phúc Sen vẫn đỏ lửa giữ nghề, sản xuất nông cụ cho bà con trong vùng cũng như cung cấp cho nhiều địa phương khác nhau, suốt từ Bắc vào Nam.
Là xã vùng cao của huyện Quảng Uyên, Phúc Sen hiện có hơn 400 hộ đồng bào dân tộc Nùng sinh sống với nhiều nhánh nhỏ như Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi… Theo người Nùng ở đây thì nghề rèn của họ đã có lịch sử hơn 300 năm và đến nay hầu như cả xã Phúc Sen đều làm nghề rèn, tập trung đông nhất ở bản Pắc Rằng, với hàng trăm bễ lò đỏ lửa mỗi ngày, sản xuất các sản phẩm như dao, kéo, cuốc, liềm… Với sự đa dạng về sản phẩm và ưu điểm về độ sắc, độ bền, thích hợp cho công việc của nhà nông nên sản phẩm rèn của Phúc Sen luôn là sự lựa chọn của bà con nông dân ở địa phương và nhiều vùng lân cận.