Hiện ngành Giáo dục có khoảng 1,5 triệu cán bộ, công nhân viên chức và luôn có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên tham gia học tập. Giáo dục cũng luôn "nóng" bởi ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình.
Vì thế, phụ huynh, học sinh và đặc biệt đội ngũ giáo viên đặt kỳ vọng lớn vào tân "tư lệnh ngành", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Tăng lương, giảm áp lực
Trên nhiều diễn đàn, hàng nghìn giáo viên gửi tâm tư, nguyện vọng đến vị "thuyền trưởng" ngành Giáo dục.
Một giáo viên cho biết, mình ra trường 7 năm nhưng đến nay, lương chỉ 4 triệu đồng. Tiền học của hai con hơn 2 triệu đồng/tháng. Số còn lại, mẹ tằn tiện chi tiêu cho gia đình.
Với đồng lương như vậy, thử hỏi vì sao giáo viên không quay cuồng với cơm, áo, gạo, tiền, còn đâu thời gian đầu tư chất lượng dạy học?
Độc giả Khánh Trang cho hay, mình tốt nghiệp đại học và mới ra trường. "Hàng ngày, em chạy xe máy 20km để đi dạy và nhận về đồng lương 2,8 triệu/tháng.
Ngành chúng ta luôn đòi hỏi giáo viên có bằng cấp nhưng bằng cấp đại học mà chỉ hưởng lương như trung cấp, làm sao sống nổi đây, thưa Bộ trưởng"?, độc giả Khánh Trang đặt câu hỏi.
Giáo viên có tên Thạch Thảo cho hay, năm đầu mình trượt đại học nên thi lại năm 2. Khi thi đại học xong, ra trường không đúng đợt thi công chức.
"Trong khi bạn mình học trung cấp và vào biên chế được 3 năm, mình mới ra trường. Nghĩ nó chán vì giờ mình ăn lương trung cấp, còn bạn mình học trung cấp thì được tăng lương theo thâm niên", độc giả Thạch Thảo băn khoăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy (Hải Phòng) cho biết, giáo viên không có thu nhập thêm, không tiền thưởng nên mong tân Bộ trưởng cải cách chế độ tiền lương sao cho xứng với câu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", để giáo viên đủ no và có tiền cho 1 đứa con ăn học.
Một khi nâng cao đời sống bằng lương, giáo viên mới an tâm cống hiến cho giáo dục, tránh tình trạng giáo viên đi dạy buổi sáng mà lo gạo buổi chiều, khó có chất lượng cao.
Độc giả Thu Nguyễn chia sẻ: "Mong ước làm gì nhiều, chỉ mong đời sống giáo viên được cải thiện chút đã khó. Nhà giáo chúng ta vất vả như vậy, nhiều giáo viên mầm non lao động quần quật mười mấy tiếng/ngày nhưng bị cả xã hội soi vào.
Phụ huynh còn mang tư tưởng phó thác hết cho nhà trường. Con ngoan hay hư, nhiều gia đình đều cho rằng, tất cả do nhà trường và giáo viên. Vậy nên, chúng tôi những nhà giáo chỉ mong đời sống được cải thiện một chút và giảm bớt áp lực".
Giảm sổ sách và các cuộc thi vô bổ
Trong hàng nghìn câu hỏi với các vấn đề "nóng", gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trên diễn đàn nhà giáo, nhiều người mong mỏi được giảm bớt hồ sơ, sổ sách và các cuộc thi vô bổ, để giáo viên tập trung nâng cao chất lượng dạy học.
Độc giả Vinh Phạm cho hay, Bộ GD&ĐT nên bỏ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nếu có, chỉ nên bắt buộc đối với đội ngũ làm quản lý giáo dục.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe tâm tư, trao đổi của thầy cô ở cơ sở, quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng núi, dân tộc,...
Chị Thu Huyền, một giáo viên ở TP HCM cũng cho hay, giáo viên hiện nay quá nhiều sổ sách giấy tờ, chưa kể các cuộc thi vô bổ khiến họ không còn thời gian tập trung vào chuyên môn.
Nên chăng, cần đánh giá chất lượng giáo viên qua chất lượng học sinh chứ không phải các cuộc thi vô bổ.
Cô Phạm Linh, giáo viên một trường tiểu học tại Hải Dương cũng đề xuất, cắt bớt hồ sơ sổ sách cho giáo viên và các cuộc bồi dưỡng kiểu hình thức, để giáo viên không mang việc về nhà mỗi ngày.
Đồng tình với ý kiến này, độc giả Vi Công cũng mong muốn, ngành Giáo dục không nên "vẽ" quá nhiều việc cho giáo viên. "Lâu nay ốm vặt cũng không thể bỏ lớp, bỏ giờ. Thậm chí cánh giáo viên chúng tôi nói với nhau, chỉ được ốm vào thứ 7, chủ nhật hoặc chờ nghỉ hè mới dám đi viện", độc giả này cho biết.
Một giáo viên khác cho hay, các hồ sơ tổ, khối, điểm thi…, đã được nhập lên phần mềm nhưng lại bắt giáo viên viết tay lại vào sổ, vừa trùng lặp vừa khổ giáo viên không cần thiết.
Một vấn đề bức xúc tốn giấy mực thời gian qua cũng được nhiều giáo viên đặt ra: Mong tân Bộ trưởng cân nhắc việc thăng hạng cho giáo viên!
"Mong tân Bộ trưởng cân nhắc việc thăng hạng cho giáo viên. Tại sao phải tới tận 9 năm giữ hạng mới được thi thăng hạng. Hãy để sức ai mạnh thì lên hạng sớm, ai thi được thì được lên. Nếu nhất thiết phải thăng hạng, nên chăng chỉ giữ ở mức 3-5 năm.
Đặc biệt, một số điều kiện thi thăng hạng giáo viên cho thấy, chỉ có cấp quản lý mới đủ điều kiện thi còn giáo viên thông thường dù giỏi cũng không đủ điều kiện thăng hạng, đấy là bất cập", cô Huyền Trang (Hà Nội) nói.