Thách thức nào dành cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trên cương vị mới?

Tào Nga - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 08/04/2021 15:23 PM (GMT+7)
Ngày 8/4, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trên cương vị mới, tân Bộ trưởng sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong ngành giáo dục?
Bình luận 0

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Mong muốn tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lắng nghe các chuyên gia và sắp xếp việc nào cần làm trước"

Thách thức nào dành cho ông Nguyễn Kim Sơn khi đảm nhiệm vị trí tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT? - Ảnh 1.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ.

"Khi đương nhiệm chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc đầu tiên ông Nguyễn Kim Sơn cũng như những nhà quản lý nên làm là lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia. Trên cơ sở đó, người đứng đầu Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp thành hệ thống việc nào cần làm ưu tiên số 1, đồng thời có suy nghĩ giải pháp tốt để đưa ra quyết sách thực hiện. Cái gì chưa rõ, Bộ GD-ĐT có thể thực hiện các buổi toạ đàm tư vấn.

Đối với giáo dục, tôi thấy có một số vấn đề này cần giải quyết ngay.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Bây giờ chúng ta đang làm kiểu năm nay mới chuẩn bị sách cho năm sau nên khâu thực đánh giá như thế nào? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu giải quyết thế nào cho minh bạch, chất lượng, không có những lăn tăn trong ngành cũng như xã hội.

Việc thứ 2, Bộ trưởng nên quan tâm công tác hướng nghiệp cho học sinh để làm sao học sinh khẳng định thi vào trường nào là đúng hướng. Từ đó, điều chỉnh được việc thừa thiếu trong các ngành nghề.

Thứ 3, hiện nay thời kỳ công nghệ số 4.0, công nghệ số hoá giáo dục phổ thông như thế nào là vấn đề cần phải suy nghĩ. 

Thứ 4, để thực hiện chương trình mới, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vô cùng quan trọng. Đó là sự tồn tại phát triển các trường cao đẳng từ hệ thống trường. Cao đẳng sư phạm là nơi đào tạo giáo viên cấp 1, 2. Tuy nhiên, theo Luật giáo dục, giáo viên cấp 1, 2 phải được đào tạo trình độ đại học.

Đáng ra, giải quyết bằng cách song song với việc đào tạo là lộ trình nâng cấp các trường cao đẳng lên như thế nào, cao đẳng liên kết với trường đại học ra sao,… từng bước đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng, bồi dưỡng giáo viên có trình độ đại học, bồi dưỡng để thực hiện dạy các môn ghép.

Cuối cùng, đối với hệ thống đại học, công tác quản lý đại học, cao đẳng, trường dạy nghề làm sao đảm bảo được việc đào tạo nguồn nhân lực tương đương với việc đào tạo của quốc tế…".

TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại Học Phú Xuân: "Ổn định và chặt chẽ có lẽ là điều công chúng cần ở vị trí Bộ trưởng hơn là cải cách và đổi mới"

Thách thức nào dành cho ông Nguyễn Kim Sơn khi đảm nhiệm vị trí tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT? - Ảnh 2.

TS Đàm Quang Minh.

"Hôm nay, ngành giáo dục có Bộ trưởng mới. Bộ trưởng cũ và mới là hai người không lạ gì nhau vì cùng thời gian dài công tác tại ĐH QGHN nhưng có tính cách khác nhau khá nhiều.

Bộ trưởng Xuân Nhạ là người từ ngành Kinh tế, nhìn vấn đề theo cách thị trường, có cái nhìn thân thiện với các trường tư và cải cách đại học theo hướng thị trường và doanh nghiệp. Ở ĐHQGHN trước đây dưới thời ông làm Giám đốc, các chương trình doanh nghiệp được đưa nhiều vào trường, cách thi cử cũng cải cách theo hướng thi trắc nghiệm theo mô hình SAT của Mỹ.

Ở ĐHQGHN, các đổi mới này cánh trẻ thường thích và ủng hộ nhưng đội ngũ GS lớn tuổi thì phản đối gay gắt. Thời ở ĐHQGHN, số người không ủng hộ ông cũng nhiều nhưng không ai phủ nhận việc ông là người có mong muốn cải cách.

Sau này khi ở Bộ GD-ĐT cũng vậy, ông đã giải quyết được một số vấn đề tồn đọng dài hạn của giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học. Nhớ trước đây các "lò đào tạo tiến sĩ" hoành hành, giáo sư, tiến sĩ tăng theo cấp số nhưng báo quốc tế thì không viết nổi. Những năm gần đây, bài báo quốc tế đã là chuẩn mực mới cho giới nghiên cứu và từ đó cùng với việc ép các trường tham gia kiểm định, thứ hạng các trường ĐH Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, sự tranh chấp tại các trường tư cũng đi đến hồi kết khi Luật Giáo dục Đại học mới được thông qua, các trường tư qua đó dành được thiện cảm nhiều hơn và phát triển nhanh trong những năm qua. Mặt khác, các trường công tự chủ bắt đầu phát huy tác dụng và bộc lộ cả những vấn đề của nó như trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng. Cuối cùng phải thừa nhận, các vấn đề về giáo dục phổ thông là điểm yếu của Bộ trưởng và gây mất nhiều điểm cho Bộ trưởng. 

Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trái ngược hẳn, ông điềm đạm, ít nói. Tuy nhiên, với gốc Hải Phòng ông được coi là người có sức mạnh ngầm. Ông giải quyết được hàng loạt các vấn đề tồn đọng lên đến gần 30 năm tại ĐHQGHN như vấn đề về campus tại Hòa Lạc mà các lãnh đạo đời trước không giải quyết được hoặc bỏ lửng. Ông cũng giải quyết êm thấm các mâu thuẫn nội bộ tại các trường thành viên và đưa trường hoạt động theo quỹ đạo mới có vai trò lãnh đạo tốt hơn của ĐHQGHN.

Ông đang thể hiện sẽ có tính chính trị cao hơn, vốn dĩ cần hơn cho một vị trí chính trị như Bộ trưởng. Khác với Bộ trưởng Nhạ, tin dùng nhiều tài năng trẻ từ doanh nghiệp, Bộ trưởng Sơn sẽ có xu thế lựa chọn các tài năng trong giới học thuật. Vào lúc này, ổn định và chặt chẽ có lẽ là điều công chúng cần hơn ở vị trí Bộ trưởng hơn là cải cách và đổi mới. Có thể số ít những người cách tân thấy sốt ruột nhưng đại bộ phận sẽ thấy an tâm. Hơn nữa, những đổi mới liên tục trong thời gian qua về chương trình phổ thông mới, về tự chủ đại học... cũng cần có thời gian lắng lại để trưởng thành hơn".

TS. Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội: "Con đường ấy chắc chắn có nhiều gian nan vất vả nhưng tôi tin thầy sẽ mang lại giá trị tích cực"

Những thách thức dành cho tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn  - Ảnh 1.

TS. Diêu Lan Phương.

"Thế hệ sinh viên khoa Văn như chúng tôi thực sự rất hạnh phúc khi được học thầy Nguyễn Kim Sơn. Ngày xưa, thầy dạy tôi môn Văn học Trung đại và Hán Nôm. Bây giờ tôi vẫn còn giữ vở ghi những bài thầy dạy. Ở trên lớp thầy vừa là một nhà khoa học, vừa là một nghệ sĩ. Thầy giảng rất hay, rất cuốn hút, rất ấm áp. Thầy còn rất có phong cách nữa. 

Nói chung, với tư cách là một người học, tôi cũng như nhiều sinh viên được thầy giảng dạy, đều rất ngưỡng mộ tri thức, tâm huyết, sự thân thiết và tấm lòng ấm áp của thầy. Sau này, khi trở thành cán bộ khoa Văn, được làm việc trực tiếp cùng thầy dù trong một thời gian ngắn (tôi bắt đầu làm việc ở Khoa năm 2002 và năm 2003 thì thầy nhận nhiệm vụ của trường), tôi lại càng ấn tượng với thầy hơn. Tôi vốn khá rụt rè, có lúc tôi nghĩ thầy đã quên tên tôi, vậy mà hôm vừa rồi ngồi hội đồng, thầy vẫn nhớ tôi rất rõ. Đó cũng là điều mà những học trò như chúng tôi cảm động.

Vì chúng tôi yêu những bài học của thầy, yêu tấm lòng thầy, nên ai ai cũng hạnh phúc khi thầy được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Con đường ấy chắc chắn có nhiều gian nan vất vả nhưng tôi tin thầy sẽ mang lại giá trị tích cực, những thay đổi tích cực, có những định hướng đúng đắn, nhân văn, bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Tôi mong thầy luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy năng lượng và thực hiện được những ước mơ của Thầy trên cương vị mới".

Một hiệu trưởng trường THCS: "Chỉ đạo từ Bộ cần thống nhất và giảm áp lực cho giáo viên"

Thách thức nào dành cho ông Nguyễn Kim Sơn khi đảm nhiệm vị trí tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT? - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

"Là một người làm lâu năm trong ngành giáo dục, chứng kiến nhiều đổi mới và thành công mà các Bộ trưởng đã đạt được, tôi vui mừng khi mới đây ngành giáo dục có Bộ trưởng mới lên lãnh đạo. Tôi kỳ vọng tân Bộ trưởng sẽ làm được những điều bất cập sau: 

Thứ nhất, sự chỉ đạo từ Bộ xuống các Phòng, các trường phải xuyên suốt, thống nhất, đừng mở ngoặc "tùy các địa phương". Nhiều khi giáo viên đã mang công văn của Bộ ra hoặc so sánh với các tỉnh khác để phản đối chỉ đạo của trường, chúng tôi rất khó để giải thích cho giáo viên vì mỗi tỉnh có quyết định khác nhau.

Giảm tải chuyện bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết cho giáo viên vì có những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm nhưng không đủ điều kiện để đi học, nâng cao trình độ. 

Bên cạnh đó, các trường mỗi năm phải đón rất nhiều các đoàn thanh tra và làm nhiều việc không liên quan đến giáo dục. Ví dụ có 1 năm tôi đón 3 đoàn kiểm tra về công tác y tế trường học. Cùng 1 nội dung trường triển khai theo đoàn này thì đoàn sau lại bảo làm thế không được... gây tốn kém chi phí tiếp đón mà trường không biết phải làm theo đoàn nào mới đúng.

Thủ tục hành chính công nặng nề. Hệ thống văn bản thủ tục, hoàn thiện hồ sơ phải lưu lại vô cùng nhiều. Mỗi năm trường lại ra nhiều bộ quy chế riêng. Chưa tính trường phải làm rất nhiều kế hoạch và mỗi năm có bao nhiêu cuộc thi đua cũng có thêm bấy nhiêu kế hoạch.

Trang thiết bị cung cấp về nhà trường cũng nên đồng bộ. Chỉ đạo từ Bộ rất tốt nhưng xuống đến trường thì thiết bị lại cọc cạch, không phù hợp với điều kiện học tập, công năng sử dụng thấp.

Ngoài ra, có điều bất cập nữa là Bộ trao quyền cho học sinh quá lớn. Theo thông tư 32, giáo viên không được phê bình học sinh nên lúc nào cũng phải nịnh và nhẹ nhàng với học sinh. Thế nhưng lại Bộ bắt giáo viên phải rèn kỷ luật, học sinh đi học chuẩn chỉnh gây khó khăn cho công tác giảng dạy các em".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem