- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đề tài nông thôn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật được biết đến qua những tên tuổi nổi tiếng như: Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng... và tiếp nối là các tác giả Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Ngọc Tư… đã cho ra đời các tác phẩm đỉnh cao về đề tài nông thôn. Tuy nhiên vài năm gần đây đề tài nông thôn trong văn học nghệ thuật bị co hẹp lại trong đó thể loại truyện ngắn, đề tài nông thôn thời kỳ hội nhập càng thiếu vắng. Theo ông, lý do vì đâu?
Những tác giả viết về nông thôn nổi tiếng được nêu thực sự đã làm lên những cột mốc ấn tượng trong văn học nói chung và văn học viết về nông thôn nói riêng. Với các tác giả như Nam Cao, Kim Lân, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng... thì đời sống nông thôn lúc đó là đời sống của họ, còn những tác giả sau này như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy... là những người dù sống ở thành phố nhưng chứa đầy ký ức về nông thôn.
Còn bây giờ, nông thôn đang được/ bị đô thị hóa và nó mang một đời sống khác, một tinh thần khác. Với những gì nông thôn (chủ yếu là đồng bằng) như hiện nay sẽ ít tạo ra sự tương phản rõ ràng giữa nông thôn và thành thị. Hơn nữa những vấn đề của nông thôn khó trở thành mối quan tâm của cả xã hội chứ không nói riêng người viết.
Chúng ta thử quan sát mạng xã hội trong 10 năm trở lại đây sẽ thấy con người bị cuốn vào đủ thứ thời thượng, những ẩn ức cá nhân vụn vặt, những thứ vô bổ và nhảm nhí kể cả không ít người gọi là nhà văn. Đấy chỉ là vài lý do cơ bản làm cho những trang viết về nông thôn vừa ít ỏi vừa hời hợt thậm chí nhạt nhẽo và lạc lõng.
- Có người cho rằng do nông thôn ngày nay đã thay đổi, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến cho người trẻ không thấy nông thôn lạ lẫm và có sức hút nên họ không viết. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Câu hỏi của bạn đã chứa trong đó câu trả lời. Một điều quan trọng nữa là: vùng thiên nhiên và vùng văn hóa đặc trưng của thôn quê đã bị mất đi quá nhiều. Thật khó có thể tìm thấy bóng dáng những ngôi làng xưa cũng như những nhân vật của làng. Những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn nhưng lại đang sống một đời sống nửa thị dân.
Chúng không còn được chìm đắm vào một thiên nhiên đẹp đẽ, mơ hồ và lãng mạn. Nông thôn không còn tạo được cảm hứng cho những đứa trẻ. Và những đứa trẻ nông thôn lớn lên với một khoảng trống rỗng ký ức về nơi chúng lớn lên. Như thế làm sao chúng có thể viết sâu sắc và hay về nông thôn được.
Nếu nói đề tài về nông thôn không còn là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả tìm hiểu và khai thác thì chưa chính xác. Cho dù nông thôn thay đổi thì chính sự thay đổi ấy lại là một đề tài lớn cho người viết.
Những nhà văn thế hệ mới không “đau đáu” viết về nông thôn và người nông dân bởi họ chưa nhận ra sự phá vỡ văn hóa rất nặng nề và nguy hiểm ở nông thôn. Họ bị đời sống đô thị cuốn vào. Họ phải hiểu rằng: đặt vấn đề nông thôn trong các tác phẩm của họ là đặt vấn đề về những giá trị truyền thống bền vững đang bị đánh mất và đe dọa chứ không phải là những câu chuyện mang tính bề mặt của xã hội.
- Theo anh những tác phẩm về đề tài nông thôn trong thời kỳ hội nhập với những số phận của người nông dân, câu chuyện của làng quê, hay chính cuộc đời người thân, thậm chí cuộc đời họ đã có tác động thế nào tới đời sống tinh thần của họ?
Chúng ta, cả nông thôn và thành thị, đang bị một đời sống của những nhu cầu và những đòi hỏi vật chất dụ dỗ. Những tác phẩm hay và sâu sắc về nông thôn chính là lời cảnh báo về sự mất cân bằng trong đời sống.
Nó không chỉ là sự mất cân bằng về môi trường, về điều kiện sống mà mất cân bằng về văn hóa hay nói rộng hơn là về nguồn cội. Sự cảnh báo này vô cùng quan trọng đối với những nhà hoạch định con đường phát triển đất nước và làm cho con người nhận ra những giá trị lớn lao của tinh thần sống và văn hóa đang bị đe dọa.
- Là một nhà văn, nhà thơ anh có dành sự quan tâm cho cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập?
Theo tôi, báo Nông thôn Ngày nay tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập là rất tốt, tạo thêm bức tranh về đề tài nông thôn trong văn học nghệ thuật. Cuộc thi sẽ tạo ra những cây viết từ chính những người nông dân, họ được nói lên cuộc sống, số phận của chính ở làng quê trong thời kỳ hội nhập, thời đại 4.0.
Chúng ta đã nói rất nhiều về những vấn đề văn hóa truyền thống trong thời hội nhập thông qua các chính sách, nghị quyết, hội thảo, nghiên cứu.... Và tôi thấy người ta vẫn không nhận thấy một sự đe dọa về những biến đổi và biến động trong đời sống văn hóa.
Có lẽ chỉ văn học mới có thể đủ sức mạnh làm cho con người tỉnh ngộ về những vấn đề đó và thay đổi cách hành xử, cách bảo vệ, cách phát triển những giá trị văn hóa truyền thống hay là tìm đến sự cân bằng trong chiến lược phát triển của một quốc gia.
- Với góc nhìn của anh, nông thôn trong thời kỳ hội nhập, những vấn đề nào là “nóng”, những vấn đề đặc biệt nào cần được đưa vào tác phẩm văn học, đưa vào truyện ngắn?
Đó là sự phá vỡ hay nói chính xác là sự tàn phá thiên nhiên. Khi môi trường thiên nhiên đặc trưng bị phá vỡ sẽ dẫn đến sự phá vỡ môi trường văn hóa trong vùng thiên nhiên ấy. Vấn đề bảo vệ thiên nhiên là vấn đề to lớn và cấp bách của toàn thế giới.
Đó là sự phá vỡ cấu trúc quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng lớn hơn. Nói rộng hơn đó là sự phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống. Sự kết nối giữa con người và con người trong văn hóa truyền thống Việt Nam là một sự kết nối đặc biệt và làm lên sức mạnh kỳ lạ của dân tộc này. Và bây giờ, nếu sự kết nối ấy bị phá vỡ sẽ dẫn đến phá vỡ những yếu tố cơ bản làm lên bản sắc Việt.
Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021. Cuộc thi được tài trợ bởi tập đoàn THACO Trường Hải - nhà tài trợ kim cương.
Cuộc thi là dịp tôn vinh người nông dân Việt Nam, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo trong nông nghiệp cũng như bảo vệ, phát huy các phong tục văn hóa, nét đẹp của làng quê Việt.
Thông qua những truyện ngắn được gửi về từ khắp nơi trên đất nước, Ban Tổ chức cũng mong muốn sẽ phát hiện và bồi dưỡng những cây bút triển vọng cho đời sống văn học nước nhà.
Theo BTC, cuộc thi nhận được 1200 tác phẩm trong đó 83 tác phẩm đã được Hội đồng Sơ khảo chấm và đăng trên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử. Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” dự kiến trao giải vào ngày tháng 5/2021 đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên.