Dân Việt

Tác giả chùm thơ đoạt giải B gây tranh cãi nói gì khi bỗng dưng bị “ném đá”?

Hà Tùng Long 11/04/2021 17:05 GMT+7
Nhà thơ Tòng Văn Hân – tác giả của 3 bài thơ vừa được trao giải B của báo Văn Nghệ đang gây tranh cãi cho rằng, ông không để những lời khen chê làm ảnh hưởng đến mình.

Ông nói gì về 3 bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", "Làm rể" và "Nhà dưới nhà trên" vừa đoạt giải B cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ?

Tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở Điện Biên. Từ bé, tôi đã được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những lời ca, điệu hát, tiếng đàn của dân tộc mình. Tôi làm thơ cũng xuất phát từ việc muốn giải toả cảm xúc nội thân, ghi lại hình ảnh về những gì diễn ra ở bản làng, ở cộng đồng dân tộc của mình… để quay lại phục vụ bà con dân tộc mình.

Tác giả bài thơ đoạt giải B gây tranh cãi nói gì khi bỗng dưng bị “ném đá”? - Ảnh 1.

Nhà thơ Tòng Văn Hân trong buổi nhận giải cuộc thi thơ báo Văn Nghệ.

Cách sống và quan niệm sống của người dân tộc Thái chúng tôi mang tính cộng đồng rất cao. Có gì cũng đều chia sẻ với nhau, việc nặng thì cùng nhau làm, có miếng ngon cũng đem biếu nhau. Cho nên khi xảy ra sự việc gì đó không hay (trước kia không có, bây giờ mới có) thì người ta sẽ không chửi bởi om sòm mà giải quyết bằng cách "đóng cửa bảo nhau".

Người Thái tuyệt đối không chửi bới mỗi khi mất trộm vì họ quan niệm, bộ phận nào trên cơ thể con người cũng có hồn vía, mình chửi thì miệng lưỡi của mình sẽ ô uế. Và khi đã ô uế thì sẽ bị ốm đau, làm ăn không tốt, nuôi con cái không lớn và buôn bán không may mắn.

Người ta giải quyết theo hướng vừa giữ thể diện cho người trộm, vừa an ủi người bị mất trộm. Sau khi hai bên hoà giải xong, nếu người ăn trộm còn nhỏ (chưa ra ở riêng) thì bố mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con. 

Người Thái có câu: "Con trâu con bò sai thì có chủ, con cái sai thì có bố mẹ". Gia đình người ăn trộm sẽ nấu bữa cơm ấm cúng, thiết đãi những người sang họp bàn để thay cho lời xin lỗi.

Trong lúc hoà giải, mọi người cũng nhắc nhở người ăn trộm kiếm việc gì đó để làm, chịu khó lao động, không nên đi ăn trộm của người khác. Trong bữa cơm, mọi người sẽ chúc cho người ăn trộm làm ăn may mắn. Tôi lấy hình ảnh đó viết thành bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm". Bài thơ này tôi mới sáng tác hồi đầu năm ngoái.

Bài "Làm rể" cũng là sáng tác dựa trên nếp sống, phong tục và văn hoá của người Thái. Những cặp vợ chồng mới cưới mỗi khi đi làm nương xa thường dựng một cái lán ở nương để nghỉ buổi trưa. Hình ảnh đó tạo cho tôi cảm hứng để viết nên bài thơ. Tư tưởng mà tôi muốn gửi gắm trong bài thơ này đó là nhờ tình yêu mà cái gì họ cũng có thể vượt qua được.

"Nhà dưới nhà trên" cũng là hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc Thái. Có gì họ chia sẻ với nhau, có miếng ngon cũng gọi nhau và khi đi vắng thì nhờ trông nhà giúp cho nhau.

Nhận được giải thưởng cao ở một cuộc thi uy tín do báo Văn Nghệ tổ chức, ông cảm thấy thế nào?

Thú thật là đã gửi bài đi dự thi thì ai cũng mong muốn được giải. Chính vì thế, khi nghe tin chùm thơ của tôi được trao giải B (cuộc thi không có giải A – PV) tôi rất vui. Tôi nhận thấy phong cách viết thơ của mình được nhiều người yêu quý. 

Tác giả bài thơ đoạt giải B gây tranh cãi nói gì khi bỗng dưng bị “ném đá”? - Ảnh 3.

Bài thơ gây tranh cãi "Mẹ tôi chửi kẻ trộm".

Tôi làm thơ chủ yếu để ghi chép lại những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của bản thân, gia đình, bản làng… để phục vụ cho chính cộng đồng của mình. Nếu viết cho dân bản mà hàn lâm, cao siêu, hoa mỹ… quá sẽ không phù hợp với họ. Tôi nhấn mạnh là tôi sáng tác thơ chủ yếu để phục vụ bà con đồng bào mình.

Vậy lí do gì ông gửi đi dự giải một cuộc thi thơ do Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ tổ chức?

Tôi vô tình biết đến cuộc thi khi đọc báo Văn Nghệ. Trong quy chế cuộc thi, họ khuyến khích phong cách sáng tác mới lạ. Tôi nhận thấy những bài thơ của tôi có những chi tiết mới lạ hơn các bài thơ khác nên mạnh dạn gửi đi thi.

Chẳng hạn, mọi người quen với lối thơ 5, 7 chữ hoặc lục bát/song thất lục bát nhưng tôi viết theo ngôn ngữ của dân tộc mình nên không theo một niêm luật nào cả.

Thơ của tôi như kiểu kể một câu chuyện với những hình ảnh bình dị về cuộc sống của dân tộc mình. Tất cả các bài thơ của tôi từ trước tới nay đều sáng tác theo hình thức và phong cách này.

Ông nghĩ sao khi chùm thơ của ông đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi sau khi đoạt giải cao tại cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ?

Khen hay chê là tuỳ thuộc cảm nhận của mỗi người. Tôi thấy có người thích những bài thơ của tôi vì sự mới lạ, sự trong sáng… thậm chí là ngô nghê. Có người quen với những bài thơ niêm luật chặt chẽ rồi nên khi đọc thơ tôi lại cảm thấy lạ lẫm và chưa quen. Có người bảo đó không phải là thơ. Có người cảm cái hồn cốt của bài thơ chứ không phải bắt bẻ câu từ để soi tính nghệ thuật.

Tác giả bài thơ đoạt giải B gây tranh cãi nói gì khi bỗng dưng bị “ném đá”? - Ảnh 4.

Nhà thơ Tòng Văn Hân cho rằng, ông sẽ tiếp tục sáng tác thơ theo phong cách của mình.

Nhưng như tôi đã nói, tôi làm thơ để giải toả cảm xúc, ghi lại những điều xảy ra trong cuộc sống và để phục vụ bà con dân tộc mình nên ai nói gì tôi cũng không lấy làm buồn.

Tôi đọc khá nhiều lời khen chê của mọi người về những bài thơ vừa đoạt giải của mình nhưng tôi không để nó ảnh hưởng đến mình. Trước nay tôi sống, sáng tác và làm việc như thế nào thì tôi vẫn tiếp tục như thế. Tôi không bao giờ thay đổi con người mình vì những lời chê bai nặng nề của một số người.

Ông bắt đầu sáng tác thơ từ năm nào?

Tôi sáng tác thơ từ hồi còn học sinh cơ, năm nay, tôi cũng nhiều tuổi rồi. Thời đó, tôi sáng tác thơ chỉ để giải toả cảm xúc nên chủ yếu viết thơ tình và không mấy khi chia sẻ với ai. Sau này, tôi làm thơ về cuộc sống của đồng bào mình nên thường chia sẻ với bà con. 

Thường, khi thấy tâm đắc với bài thơ nào thì tôi sẽ chuyển cho bên văn hoá của bản để bà con sử dụng khi có sự kiện gì đó trong bản. Chẳng hạn như lễ cưới, lễ tết, mừng nhà mới… mọi người sẽ hát thơ trong tiệc vui.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.