Mới đây, trên mạng xã hội đã diễn ra những tranh cãi gay gắt về hai bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" và "Làm rể" của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) vừa được trao giải B cuộc thi thơ do báo Văn Nghệ tổ chức.
Một số ý kiến cho rằng, đây không phải là thơ bởi cách thể hiện gần như "văn nói", không có vần điệu, không ý tứ mới lạ, không ngôn từ đắt giá. Bài thơ cũng cho thấy cách kể chuyện của tác giả rất "trong sáng" và "ngây ngô".
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: "Ý tưởng "phúc đức tại mẫu" trong bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều phúc đức về sau.
Tuy nhiên, lối viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô. Bài thơ được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước, còn trao giải B – giải thưởng lớn nhất cuộc thi thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca".
Một nhà thơ (xin giấu tên) cho rằng: "Người làm thơ cần đặc biệt chú ý đến vần vì nếu thơ không có vần (hợp vận), sẽ không được gọi là thơ, sẽ chỉ như văn xuôi được cắt ra những đoạn 6 hoặc 7 hoặc 8 chữ... Có người đã ví một cách ngộ nghĩnh là "thơ không vần như mặc quần không áo", nó thiếu phần quan trọng để thành những câu thơ.
Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc. Vì thế, khi đọc hai bài thơ trên, không ai cảm được cái đẹp của thơ qua ngôn từ và càng không cảm được một nội dung tư tưởng sâu sắc".
Tinh thần thơ rất đáng trân trọng
Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù không vần điệu và bóng bẩy nhiều như tác phẩm thơ từng đoạt giải cao nhưng tinh thần của hai bài thơ nói trên rất đáng trân trọng.
Từ đầu đến cuối, bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đã ca ngợi sự vị tha, bao dung... của người mẹ một cách rất mộc mạc, trong sáng và thánh thiện. Tác giả cũng là một cây bút hoàn toàn mới, người dân tộc thiểu số nên việc động viên khuyến khích của Ban tổ chức là cần thiết.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ - Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ông thấy thơ của tác giả Tòng Văn Hân không nhiều vần điệu êm ả, không hiện đại, không chải chuốt, làm dáng, nghe còn "ngang tai" nữa nhưng cũng hơn hẳn nhưng bài thơ theo lối văn vần của một số tác giả.
"Việc khen, chê là quyền của mỗi người. Nhưng đọc kỹ thì tôi thấy tứ thơ ở 3 bài thơ của Tòng Văn Hân rất được. Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm, so sánh ẩn dụ thú vị... của người miền núi.
Ở bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", nếu là người miền xuôi mà chửi đứa trộm gà, bắt chó thì rất khủng khiếp. Lời chửi của "mẹ tôi" trong bài thơ của Tòng Văn Hân thật lạ, không giống ai. Đúng ra là mẹ không chửi, mà mẹ mong "Ta cầu mong cho ngươi/Nuôi được gà đầy đàn/Lứa này tiếp lứa khác.."; "Thì hãy có nhiều lợn/Đàn tiếp đàn núc ních...". Mẹ giận, mẹ chửi mà đáng yêu như vậy thì 4 câu thơ cuối bài cũng dễ hiểu, không lạc lõng "Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu của họ".
Bài "Làm rể" cũng đáng yêu: "Ngày anh sang nhà em làm rể/Anh đi phát nương/Con dao nhỏ bằng ba ngón tay/Phát được nhiều bằng ba người khác". Là do yêu em mà làm việc quên mệt nhọc, lại rất năng suất nữa. Rồi "Những buổi sáng trời đổ sương muối/Cá suối trú rét đầy trong hốc/Anh đi bắt cá về ăn/Nước suối ấm như nước em đun tắm"... Yêu em đến thế là cùng, ví von cũng ý nhị", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.