Bài 3: Lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng
Ông Thành chia sẻ, năm 2008, khi đi làm thị trường ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chứng kiến cảnh các thầy cô giáo cắm bản phải ăn rau rừng với cá khô nhưng vẫn phải trích từ đồng lương ít ỏi của mình để mua vở viết cho các cháu học sinh để dụ các cháu đến trường cho đủ sĩ số ông đã vô cùng xúc động.
Dù Long Hải khi đó còn nhiều khó khăn nhưng ông đã quyết định chìa vai để gánh vác, chia sẻ với các thầy cô giáo. Từ đó, hàng năm, hàng trăm ngàn cuốn vở đã được nhân viên của Công ty mang tặng cho các cháu học sinh ở các huyện nghèo nhất của Tổ quốc.
Sau nhiều năm âm thầm cống hiến, năm 2013, Quỹ tấm lòng Việt- Đài truyền hình VN phát đã đề nghị Công ty xây dựng chuyên mục: "Cùng em đến trường" với mục đích lan toả những điều tốt đẹp đến cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, để nhiều hơn những ngôi trường nghèo khó tại 62 huyện nghèo trên cả nước được chia sẻ giúp đỡ.
Đến nay, chương trình đã thực hiện được 7 năm và cũng được rất nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình.
Với những cống hiến đó, Công ty TNHH Long Hải đã 2 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen (năm 2015, 2017).
Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981đặt hạ trái phép vào vùng biển Việt Nam, Công ty TNHH Long Hải đã nhanh chóng cùng Quỹ tấm lòng Việt- Đài THVN xây dựng chương trình Biển đảo quê hương với nhiều gói hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ gia đình các chiến sĩ Trường Sa còn gặp khó khăn.
"Chúng tôi mong muốn các ngư dân và các chiến sĩ Trường Sa hãy tin tưởng, bên cạnh các ngư dân và các chiến sĩ là nhân dân, là Tổ quốc đang sát cánh cùng họ bảo vệ chủ quyền của đất nước"- ông Thành xúc động chia sẻ.
Nhắc đến quê hương Hải Dương, giọng ông trầm xuống. Ông nói, trong rất nhiều năm, kinh tế của tỉnh cũng có những phát triển vượt bậc, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phần lớn người dân đã được ấm no khá giả. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiềuhộ gia đình cuộc sống còn khốn khó, họ cũng muốn vươn lên thoát nghèo nhưng không có vốn và kỹ năng sản xuất nên cứ luẩn quẩn trong cái nghèo.
Là người con của quê hương, để chung tay cùng chính quyền trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, ông Thành đã gặp gỡ lãnh đạo Hội nông dân Tỉnh và Đài PTTH Hải Dương để bàn bạc, xây dựng chương trình đồng hành cùng nông dân thoát nghèo. Chương trình được ông xây dựng ngay lập tức được Hội Nông dân và Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hải Dương ủng hộ, nhất trí cao.
Thực hiện chương trình này, Công ty Long Hải hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, Hội nông dân Tỉnh hướng dẫn đào tạo kĩ năng sản xuất, Đài PTTH Hải Dương tuyên truyền những cách làm hay, những việc làm hiệu quả, đồng thời cũng phát hiện biểu dương những con người biết tương thân, tương ái để lan toả những tấm lòng yêu thương đó trong cộng đồng dân cư. Chương trình được thực hiện từ năm 2015 đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo.
"Điều quan trọng và giá trị nhất đối với những địa phương được Chương trình hỗ trợ đó là tình tương thân, tương ái và tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng được nâng cao"- ông Thành nói.
Nói về Chương trình "Nhân ái giao thông"- một chuyên mục được Công ty Long Hải cùng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương xây dựng phát trên Đài Phát thanh và truyền hình Hải Dương, ông Thành xúc động chia sẻ, ông từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng sau tai nạn giao thông và đồng cảm với nỗi đau của họ nên ông đã thực hiện chương trình này.
Thực hiện Chương trình, mỗi kỳ phát sóng, Công ty Long Hải hỗ trợ giúp đỡ những nạn nhân đang còn khó khăn, bế tắc trong cuộc sống; Phòng CSGT cung cấp các hình ảnh tai nạn giao thông đồng thời hướng dẫn luật giao thông và các tình huống tham gia giao thông để người dân có ý thức khi tham gia giao thông đảm bảo an toàn.
Chương trình được thực hiện từ năm 2018 đến nay, mỗi tuần phát sóng 2 kỳ cũng đã góp phần không nhỏ giảm thiểu tai nạn giao thông và góp phần tác động tốt vào ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. "Nhưng điều đáng vui mừng nhất là hàng trăm nạn nhân giao thông khi được chương trình nhân ái giao thông giúp đỡ đã vượt qua chính mình, trở thành người sống hữu ích cho cộng đồng"- ông Thành xúc động nói.
Không chỉ lo cho doanh nghiệp mình phát triển, lo cho đời sống người lao động của riêng doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Văn Thành luôn trăn trở với cuộc sống người dân của quê hương ông hay các vùng quê mà ông có duyên đặt chân tới với nỗi niềm đau đáu tìm ra giải pháp để giúp họ thoát nghèo.
Ông chia sẻ, hiện nay, tại các thôn vùng đồi núi của các xã như Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, HoàngTân thuộc TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, người dân tự phát trồng cây vải để mưu sinh, nhưng mấy năm trở lại đây do quả vải không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân đã không đầu tư chăm bón cho cây, bỏ hoang rất nhiều diện tích trồng vải, rất lãng phí nguồn tài nguyên đất đai của xã hội. Trong khi đó, hàng năm Công ty Long Hải sử dụng một lượng lớn nước cốt quả chanh leo để chế biến Thạch và Nước rau câu. Từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ông rất muốn giúp người nông dân ở đó, đánh thức tiềm năng đất đai đã bỏ hoang để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thông qua việc trồng cây chanh leo.
Trăn trở là vậy nhưng ông biết rằng, chỉ một mình công ty Long Hải thì không thể làm được điều đó nếu không có sự ra tay giúp sức, cùng vào cuộc của các vị lãnh đạo Tỉnh Hải Dương. Thế là, nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty, ông đã tranh thủ gửi thông điệp này tới các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Một mặt, ông mong muốn lãnh đạo tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo Sở NN và PTNT, chính quyền TP. Chí Linh quy hoạch vùng trồng cây chanh leo tại những vùng đất bỏ hoang, trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế. Tỉnh ưu tiên cấp nguồn kinh phí cho sở NN và PTNT nhập hoặc nghiên cứu tạo ra giống chanh leo chất lượng cao để chuyển giao và hướng dẫn người dân canh tác theo tiêu chuẩn Việt Grap.
Mặt khác, doanh nghiệp của ông cam kết sẽ đầu tư một nhà máy chế biến nước cốt chanh leo tại trung tâm vùng trồng và cùng bà con nông dân canh tác theo đúng mô hình sản xuất an toàn gắn liền với thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho bà con nông dân.
Đây chính là mô hình mà Công ty TNHH Long Hải đã áp dụng thành công đối với bà con dân tộc HMông và Hà Nhi trồng cây sâm Phanxipăng ở 2 xã vùng cao biên giới là Ý Tý và Ngải Thầu thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.
Với hành trình 20 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Long Hải của ông chủ Nguyễn Văn Thành từ một doanh nghiệp siêu nhỏ đã trở thành doanh nghiệp lớn- doanh nghiệp đứng vị trí số 1 tại Việt Nam trong ngành nghề sản xuất thạch rau câu. Thành công này là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua không biết bao nhiêu gian nan khó khăn của hơn một nghìn người lao động trong ngôi nhà chung Long Hải.
Trong 20 năm qua, Công ty Long Hải đã cống hiến bao nhiêu điều tốt đẹp cho xã hội và cũng nhận lại biết bao điều tốt đẹp từ xã hội, từ cộng đồng mang đến, đó là sự ủng hộ, là sự tin dùng những sản phẩm của Long Hải.
"Chúng tôi càng lớn mạnh, càng có cơ hội đóng góp nhiều hơn vào ngân sách để phát triển đất nước và lan tỏa nhiều hơn giá trị tốt đẹp tới cộng đồng"- Ông Thành khẳng định.
Nhìn những thành tích mà Long Hải đạt được qua dày đặc những bằng khen của các Bộ, Ngành Trung ương, của Thủ Tướng Chính Phủ và Huân Chương Lao Động Hạng III của Chủ tịch nước trao tặng được đặt trang trọng trong phòng truyền thống mới thấy hết những gì mà doanh nhân Nguyễn Văn Thành đã và đang làm việc hết mình để cống hiến cho xã hội.