Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia
Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia
Vũ Thị Hải
Thứ bảy, ngày 10/04/2021 11:26 AM (GMT+7)
Cái tên Thạch rau câu Long Hải từ lâu đã trở nên khá quen thuộc với người tiêu dùng khắp cả nước và đã trở thành thương hiệu quốc gia, nhưng ít ai biết rằng, người làm nên thương hiệu nổi tiếng đó là một doanh nhân có phong cách hết sức bình dị, chân thành.
Sự chân thành của vị doanh nhân này đã trở thành "đặc sản" của doanh nghiệp với phương châm "Lấy sự chân thành của nhà sản xuất để nhận lại sự trung thành của khách hàng".
Bài 1: Gian nan ngày đầu khởi nghiệp
Ý tưởng sản xuất thạch rau câu của vị doanh nhân này đến tình cờ trong một lần đi chu du thiên hạ.
20 năm trước, Nguyễn Văn Thành vốn là một kỹ sư xây dựng, đang hoạt động đúng ngành nghề, công việc xuôi chiều mát mái, lên đến chức đội trưởng một đội xây dựng trong doanh nghiệp nhà nước, tuy chưa giàu có nhưng cũng có chút của ăn của để.
Lần đó, khi đi du lịch sang Trung Quốc, bước vào một siêu thị lớn với ăm ắp các loại hàng hóa, sản phẩm nhưng ông lại bị hút mắt bởi một thứ tưởng như là kẹo nhưng khi ăn thì lại không phải kẹo mà là thứ gì đó ngon hơn, hấp dẫn hơn nhiều bởi hương thơm man mát như hương quả vải, vị giòn dai rất đặc biệt, rất lạ.
Tò mò muốn biết sản phẩm đó là gì, chế biến ra sao, nguyên liệu làm ra từ đâu, ông thật bất ngờ khi người phiên dịch giải thích đó là thạch, được sản xuất từ rong biển. Ông càng bất ngờ hơn khi người phiên dịch cho biết công dụng của loại thực phẩm này tốt cho sức khỏe như thế nào, nhất là đối với người cao tuổi.
Ngay lúc đó, ông đã nghĩ tới đất nước của mình với chiều dài hơn 3 nghìn cây số biển, chắc chắn rong biển không hề thiếu, quê hương Hải Dương của ông lại có vùng vải nổi tiếng Thanh Hà, nhưng ông chưa thấy có doanh nghiệp nào sản xuất loại thực phẩm kết hợp giữa rong biển và trái cây độc đáo như thế này.
Sau chuyến đi đó, lúc nào trong đầu ông cũng nghĩ tới cái sản phẩm dai dai, giòn giòn, ngọt ngọt, thơm thơm đủ màu sắc bắt mắt nhưng lại được làm ra từ một loài rong biển. Ông cứ quẩn quanh với suy nghĩ Việt Nam mình ngoài rong biển, ngành mía đường cũng phát triển và giá đường thường xuyên thấp; quả vải quê ông không thiếu, nhiều năm giá rớt thê thảm vì không tiêu thụ được. Nguyên liệu nhiều, chi phí thấp chắc chắn giá thành sẽ thấp, mặt hàng tốt cho sức khỏe như thế sẽ dễ tiêu thụ. Và câu hỏi trong đầu đã lóe lên, người ta làm được sao mình không làm được?
Thế là ông đi mua sách để tìm hiểu về rong biển, tìm hiểu xem loại rong biển nào có thể sản xuất được rau câu. Dành thời gian nghỉ phép năm đó, ông đã cùng người anh em đi khảo sát thực tế nguyên liệu rong biển tại các tỉnh dọc bờ biển Việt Nam.
Nhờ kiến thức đọc được trong sách, ông biết được, rong biển có hàng nghìn loại, nhưng chỉ có rong sụn (rong đỏ) mới có thể cho ra đời sản phẩm thạch tốt nhất, ngon nhất.
Với đặc tính sinh trưởng của loài rong này yêu cầu rất ngặt nghèo về độ trong, độ mặn, cường độ ánh sáng, nhiệt độ trung bình, dòng hải lưu… thì chỉ có vùng biển thuộc 4 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên mới đáp ứng cho rong sụn phát triển tốt.
Rất may, cả 4 địa phương trên đều nhận lời giúp ông triển khai tới bà con nông dân trong việc thu hoạch và trồng rong sụn.
Lo xong phần nguyên liệu, ông quyết định xin nghỉ việc tại công ty, nhận 5 triệu đồng chế độ "một cục" cho 14 năm công tác trong nghề xây dựng.
Việc còn lại là lo vốn, tìm người cộng tác để bắt tay vào sản xuất. Dù đã được ông vạch ra viễn cảnh của mặt hàng mà ông rất thích này, nhưng không phải ai cũng dám mạo hiểm. Cuối cùng thì cũng chỉ có một số ít người dám bỏ vốn đầu tư cùng ông, một trong số đó bây giờ là Phó chủ tịch công ty, luôn kề vai sát cánh cùng ông từ những ngày gian khó nhất cho đến ngày vinh quang.
Năm 2000, theo âm lịch là năm Canh Thìn, vị doanh nhân tuổi thìn này đã chọn để khởi nghiệp cho một hướng đi mới và đặt tên cho sản phẩm đầy tâm huyết được kết hợp giữa Rồng (Long) và Biển (sản phẩm rong câu từ biển- Hải) để cho ra đời cái tên Long Hải. Đó cũng là kỳ vọng của vị doanh nhân trẻ vào một tương lai phát triển huy hoàng của sản phẩm, trong tư thế vươn lên của rồng biển.
Với số vốn ít ỏi, chỉ có hơn 500 triệu đồng, trên diện tích 300m2 nhà xưởng cùng 10 người lao động tính cả giám đốc, doanh nhân Nguyễn Văn Thành cùng các cộng sự bắt đầu bước ra thương trường và được trải nghiệm ngay những "cú đánh" thực sự của qui luật cung-cầu. Lúc đó, họ mới thực sự thấu hiểu sự gian nan, nguy hiểm của 5 chữ: "thương trường như chiến trường".
Đó là câu chuyện của năm 2001, khi những lô sản phẩm Thạch rau câu mang thương hiệu Long Hải đầu tiên được ra đời. Niềm vui của cả chủ và thợ bị dập tắt bởi những cái lắc đầu, xua tay của các cửa hàng tạp hoá và các đại lý lớn không chấp nhận sản phẩm. Những câu trả lời đầu tiên của thị trường như những gáo nước lạnh dội thẳng vào ngọn lửa hân hoan đang hừng hực cháy.
Sản phẩm không bán được, đồng nghĩa với những đồng vốn lưu động ít ỏi của những người sáng lập doanh nghiêp đã phải đổ bỏ theo những lô sản phẩm đầu tiên chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bừng tỉnh trước thất bại, ông Thành và các cộng sự nhận ra rằng ngành hàng thực phẩm tiêu dùng này cũng đầy nghiệt ngã, không như những gì mà họ đã tưởng tượng trước đây là mình cứ có sản phẩm mang đi bán là được.
Là người ham học hỏi, đọc nhiều sách đông ty kim cổ, ông Thành sớm nhận ra được bản chất của thành công chính là biết chấp nhận thất bại, xem thất bại như là chỉ dẫn để tiến tới thành công. Và để không bị tụt lùi lại phía sau, không phải làm lại từ đầu, ông cho rằng, ngã ở đâu thì sẽ phải đứng dậy và đi tiếp ở ngay chỗ đó.
Vì thế, ông tiếp tục huy động vốn, dành thời gian đi khảo sát, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, lắng nghe tiếng nói từ thị trường, đưa ra các tiêu chí cải thiện chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Cũng từ bài học thất bại, ông Thành nhận ra rằng, hàng hóa làm ra cũng cần phải được tổ chức tiếp thị bán hàng phù hợp. Nghiên cứu cách tiếp thị của nhiều hãng nước ngoài và nhiều nhà sản xuất kinh doanh thành công tại thị trường VN, ông đã xây dựng được cho mình phương thức tiếp cận thị trường và biện pháp kinh doanh phù hợp với sản phẩm thạch rau câu. Đi đúng hướng, sau 2 năm nỗ lực, sản phẩm thạch rau câu đã từng bước, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và bắt đầu mở rộng sản xuất.
Năm 2004, Công ty Long Hải đã hoàn thành xây dựng nhà máy mới với thiết bị đồng bộ khép kín, năng lực sản xuất được tăng lên vượt bậc, tạo được việc làm cho 260 người lao động có thu nhập ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.