Loài bọ que đặc biệt từng bị tuyên bố tuyệt chủng nhưng giờ đây đã trở lại
Khi những con chuột đen xâm chiếm đảo Lord Howe sau vụ đắm tàu Makambo năm 1918, chúng đã quét sạch nhiều loài sinh vật bản địa trên hòn đảo nhỏ ở biển Tasman, bao gồm cả loài côn trùng lớn, không bay với hình dạng một cái que.
Tuy nhiên loài bọ que trên đảo Lord Howe từng được cho là đã tuyệt chủng được phát hiện vẫn còn sống.
Các nhà khoa học vào hôm thứ Năm cho biết mẫu phân tích DNA xác của loài bọ trong bảo tàng và một loài bọ tương tự ở mỏm đá núi lửa cách đó 23km cho thấy chúng là cùng một loài.
Phát hiện này có thể giúp mở đường cho việc giới thiệu trở lại loài côn trùng này vào những năm tới.
Nhà sinh vật học tiến hóa Alexander Mikheyev thuộc Học viện Công nghệ và Khoa học Công nghệ Okinawa, Nhật Bản, cho biết: "Côn trùng trên Đảo Howe đã trở thành biểu tượng của sự mỏng manh của hệ sinh thái trên đảo. Không giống như phần lớn các câu chuyện về sự tuyệt chủng, phát hiện này cho chúng ta một cơ hội thứ hai."
Loài bọ que màu đen này có thể phát triển lên tới kích thước 15cm, được biết tới với tên gọi khoa học là Dryococelus australis hay “tree lobster” (tôm hùm cây).
Khi trưởng thành, loài bọ que không cánh trên đảo Lord Howe trú ẩn trên cây vào ban ngày và ra ngoài vào ban đêm để ăn cây bụi.
Từ khoảng những năm 1930, loài vật này đã biến mất hoàn toàn khỏi đảo Lord Howe, được biết tới là nơi duy nhất mà chúng sinh sống.